Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Đề - HDC Chiếc thuyền ngoài xa

BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO                       KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2014
                     *****                                                          Môn thi: NGỮ VĂN
SỞ GD & ĐT BÌNH THUẬN                                       Thời gian làm bài: 120 phút.
   (Tập huấn ngữ văn 2014)                                           (Không kể thời gian giao đề).


I. ĐỌC HIỂU (3 điểm).
"Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mối nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn : Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ !
           Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn.
           Tất cả mọi việc xảy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn. Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới."
                                                    (Trích Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu)


Đọc đoạn văn trên và thực hiện các yêu cầu sau :
1. Nêu những ý chính của đoạn văn trên?
2. Xác định những phương thức biểu đạt trong đoạn văn trên?
3. Viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về tâm trạng và hành động của nhân vật xưng tôi trong đoạn văn ?
                              
II. LÀM VĂN (7 điểm).
    Trong truyện ngắn « Chiếc thuyền ngoài xa » của Nguyễn Minh Châu có đoạn :
« Lát sau mụ lại mới nói tiếp :
- Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được ! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó ! Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười – vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ. »
                                             (Ngữ văn 12, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, trang 76).


          Phân tích phẩm chất của người đàn bà trong đoạn trích trên. Từ đó, trình bày suy nghĩ của anh/ chị về đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống hiện nay.


      _______________________________HẾT__________________________

BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO                       KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2014
                *****                                                          Môn thi: NGỮ VĂN
                                                                                    Thời gian làm bài: 120 phút.
    HƯỚNG DẪN CHẤM                                          (Không kể thời gian giao đề).


I. ĐỌC HIỂU (3 điểm).
1/ Yêu cầu về kĩ năng :
  • Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản
  • Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2/ Yêu cầu về kiến thức :
Câu 1 : ( 1 điểm )
  • Người đàn ông đánh người đàn bà dã man.
  • Người đàn bà cam chịu một cách nhẫn nhục.
  • Tâm trạng và hành động của nhân vật tôi.
Câu 2 : ( 1 điểm )
Các phương thức biểu đạt :
  • Tự sự :        kể lại những sự việc mà nhân vật tôi chứng kiến.
  • Miêu tả :     hành động, tâm trạng của các nhân vật.
- Biểu cảm :  bộc lộ cảm xúc của các nhân vật.
(Lưu ý : Nếu thí sinh chỉ xác định được phương thức biểu đạt mà không có lý giải hoặc lý giải sai thì cho 0.5 điểm).
Câu 3 : ( 1 điểm )
Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau :
- Tâm trạng kinh ngạc vì sự việc diễn ra quá bất ngờ và ngoài tưởng tượng của nghệ sĩ Phùng.
- Hành động xuất phát từ tình yêu thương con người của người nghệ sĩ.
(lưu ý : Với câu 1 và 2, thí sinh có thể viết thành đoạn văn hoặc trình bày các ý theo cách gạch đầu dòng ; với câu 3, thí sinh phải viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh thì mới đạt điểm tối đa).

II. LÀM VĂN : (7 điểm )
1. Yêu cầu về kĩ năng :
  • Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, từ đó trình bày suy nghĩ về một vấn đề của đời sống xã hội ;
  • Vận dụng tốt các thao tác lập luận,
  • Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp ;
  • Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
2. Yêu cầu về kiến thức :
  • Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, thí sinh có thể phân tích phẩm chất của người đàn bà hàng chài trong đoạn trích và bày tỏ suy nghĩ của mình theo những cách khác nhau nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý :
2.1. Phân tích phẩm chất của người đàn bà hàng chài :
-  Giới thiệu vài nét  về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.   
-  Phân tích phẩm chất của người đàn bà hàng chài :
+ Thấu hiểu lẽ đời, cảm thông cho chồng, nhận ra được vai trò trụ cột của người đàn ông trong gia đình cũng như trách nhiệm của  người đàn bà.
+ Tình thương  con vô bờ.
+ Biết chắt chiu những hạnh phúc nhỏ bé của cuộc sống để giữ con thuyền gia đình trước bờ vực của sự đổ vỡ .
  • Đánh giá : hình ảnh người phụ nữ thương chồng, thương con; thấu hiểu lẽ đời bao dung vị tha và giàu đức hy sinh.
2.2.  Thí sinh bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề : Đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống ngày nay. Thí sinh cần nêu được những ý sau :
- Khẳng định đức hy sinh là một trong những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của người phụ nữ Việt Nam.
- Đức hy sinh được thể hiện cụ thể như thế nào.
- Thái độ : ca ngợi, trân trọng, học tập.
3. Cách cho điểm :
  • Điểm 6-7 : Phân tích được phẩm chất của nhân vật một cách thuyết phục, bày tỏ suy nghĩ sâu sắc về phẩm chất hy sinh của người phụ nữ. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc và sáng tạo ; có thể còn vài sai sót về chính tả, dùng từ.
  • Điểm 4-5 : Cơ bản phân tích được phẩm chất của nhân vật, nêu được suy nghĩ của bản thân về đức hy sinh. Bố cục rõ ràng, lập luận tương đối chặt chẽ, còn mắc một số lỗi ngữ pháp, chính tả, dùng từ.
  • Điểm 2-3 : Chưa làm rõ được những phẩm chất của người đàn bà, phần bày tỏ suy nghĩ về đức hy sinh còn sơ sài ; mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  • Điểm 1 : Chưa hiểu đề, sai lạc kiến thức, mắc nhiều lỗi về diễn đạt.
  • Điểm 0 : Không làm bài hoặc lạc đề .
(Lưu ý : điểm tối đa cho phần 2.2 là 3 điểm).


_______________________________HẾT________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét