Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Phương thức biểu đạt



PHÂN LOẠI VĂN BẢN THEO PHƯƠNG THỨC BIỂU ĐẠT
Kiểu văn bản
Đặc điểm của phương thức biểu đạt

Miêu tả
Dùng các chi tiết, hình ảnh giúp người đọc hình dung ra được đặc điểm nổi bật của một sự việc, sự vật, con người, phong cảnh…làm cho những đối tượng được nói đến như hiện lên trước mắt người đọc.

Tự sự
Trình bày môt chuỗi sự việc liên quan đến nhau, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng có một kết thúc nhằm giải thích sự việc, tìm hiểu con người, nêu vấn đề và bày tỏ thái độ khen chê.

Biểu cảm
Trực  tiếp hoặc gián tiếp bày tỏ tư tưởng, tình cảm, cảm xúc, thái độ và sự đánh giá của người viết đối với đối tượng được nói tới.

Điều hành
(Công vụ-
Hành chính)
Trình bày văn bản theo một số mục nhất định nhằm truyền đạt những nội dung và yêu cầu của cấp trên hoặc bày tỏ những ý kiến, nguyện vọng của cá nhân hay tập thể tới các cơ quan và người có quyền hạn để giải quyết.

Thuyết minh
Trình bày, giới thiệu, giải thích…nhằm làm rõ đặc điểm đối tượng, cung cấp tri thức về các hiện tượng và sự vật trong tự nhiên và xã hội.

Nghị luận
Dùng lí lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ luận điểm nhằm thuyết phục người đọc, người nghe về một tư tưởng, quan điểm.


LUYỆN TẬP
Đọc kỹ các văn bản sau đây và xác định phương thức biểu đạt của từng văn bản.
Văn bản 1:
Sầu riêng là loại trái quý, trái hiếm của miền Nam. Hương vị nó hết sức đặc biệt, mùi thơm đậm, bay rất xa, lâu tan trong không khí. Còn hàng chục mét mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi. Sầu riêng thơm, mùi thơm của mít chín quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái ngọt của mật ong già hạn. Hương vị quyến rũ đến kỳ lạ.
      Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm. Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi, toả khắp khu vườn. Hoa đậu từng chùm, màu trắng ngà. Cánh hoa như vẩy cá, hao hao giống cánh sen con, lác đác vài nhụy li ti giữa những cánh hoa, mỗi cuống hoa ra một trái. Nhìn trái sầu riêng lủng lẳng dưới cành trông giống những tổ kiến. Mùa trái rộ vào khoảng tháng tư, tháng năm ta.
Đứng ngắm cây sầu riêng, tôi cứ nghĩ mãi về cái dáng của giống cây kì lạ này. Thân nó khẳng khiu, cao vút, cành ngang thẳng đuột, thiếu cái dáng cong, dáng nghiêng, chiều quằn, chiều lượn của cây xoài, cây nhãn. Lá nhỏ xanh vàng hơi khép lại, tưởng như lá héo. Vậy mà khi trái chín, hương toả ngào ngạt, vị ngọt đến đam mê.
(Mai Văn Tạo)
Văn bản 2:
Nhưng ngạc nhiên làm sao, trời về xế, lúc ai nấy đang nghỉ trên nhà, bỗng nghe tiếng kêu réo từng hồi: 
- Bà con ơi! Ra coi sấu…Bốn mươi lăm con còn sống nhăn.    
Rõ ràng là giọng Tư Hoạch.
- Diệu kế ! Diệu kế! Tôi là Tư Hoạch đi bắt sấu về đây. Bà con coi sấu lội có hàng dưới sông mình nè! Một đời người mới có một lần. 
Dưới sông, Tư Hoạch ngồi trên xuồng, bơi nhè nhẹ như đi dạo mát. 
Tiếp theo lái xuồng là một bầy sấu, con này buộc nối đuôi con kia, đen ngòm như khúc cây khô dài. Mỗi con sấu, hai chân sau thúc ké trên lưng, hai chân trước tự do, quạt nước cầm chừng như tiếp sức với Tư Hoạch để đẩy chiếc bè quái dị kia đi nhẹ nhàng...
                                                                                   (Hương rừng Cà Mau- Sơn Nam)
Văn bản 3:
 Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ 
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi 
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá! 
                              (Quê hương- Tế Hanh)
Văn bản 4:
Âm nhạc là một nghệ thuật gắn bó với con người từ khi lọt lòng mẹ cho tới khi từ biệt cuộc đời. Ngay từ lúc chào đời, em bé đã được ôm ấp trong lời ru nhẹ nhàng của người mẹ. lớn lên với những bài đồng dao, trưởng thành với những điệu hò lao động, những khúc tình ca vui buồn với biết bao sinh hoạt nghệ thuật ca hát từ thôn xóm đến thành thị. Người Việt Nam chúng ta cho tới lúc hết cuộc đời vẫn còn tiếng nhạc vẳng theo với những diệu hò đưa linh hay điệu kèn đưa đám.
  (Phạm Tuyên, Các bạn trẻ đến với âm nhạc,
NXB Thanh niên, Hà Nội, 1982)

Văn bản 5:
Sống xa gia đình, xa Tổ quốc, chúng tôi mong thư nhà như “trẻ mong mẹ đi chợ về”. Nhưng mỗi lần người đưa thư đến, bên cạnh niềm vui là sự xấu hổ. Những lá thư từ quê nhà gửi sang đủ loại. Cái to cái nhỏ, cái giấy trắng, cái giấy đen. Nhiều bì thư được dán bằng giấy vở học sinh nhem nhuốc. nhiều trường hợp tem dán kín cả hai mặt bì thư.
Công nhân bạn hỏi  chúng tôi: “Ở nước các bạn  không có nhà máy in bao thư ư?” Chúng tôi đỏ mặt.
Đề nghị ngành bưu điện nên phát hành loại bì thư in sẵn tem như nước các bạn thường làm.
                                                                                (Võ Hoài Nam)
Văn bản 6:
   Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh "đắt" trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tầu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào? 
                                   (Chiếc thuyền ngoài xa- Nguyễn Minh Châu)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét