Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

ĐỀ THI MINH HỌA-KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015 . THPT Tây Ninh

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TÂY NINH
TRƯỜNG THPT TÂY NINH
 ĐỀ THI MINH HỌA-KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 180 phút.
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 3:
Một chàng trai trẻ xin làm người giúp việc cho một nông trại. Khi người chủ hỏi anh có thể làm được gì, anh nói:
- Tôi vẫn ngủ được khi trời giông bão.
Câu trả lời hơi khó hiểu này làm người chủ nông trại bối rối. Nhưng vì có cảm tình với chàng trai trẻ nên ông thu nhận anh.
Một vài ngày sau, người chủ và vợ ông chợt tỉnh giấc giữa đêm vì một cơn lốc lớn. Họ vội kiểm tra mọi thứ trong nhà thì thấy các cánh cửa đã được đóng kỹ, nông cụ đã được cất gọn gàng trong kho, máy cày đã được cho vào nhà xe và chuồng gia súc đã được khóa cẩn thận. Ngay cả những con vật cũng no nê và tỏ ra không hề sợ hãi. Tất cả mọi thứ đều an toàn và chàng trai vẫn ngủ ngon lành.
Giờ thì người chủ đã hiểu lời của chàng trai trước kia: “Tôi vẫn ngủ được khi trời giông bão”.
Bởi trước giờ anh luôn thực hiện công việc của mình một cách [.....................] nên anh chẳng cần phải lo lắng gì mà vẫn có thể tránh được những biến cố khi cơn bão ập tới.
(Trích Hạt giống tâm hồn – NXB Tổng hợp TPHCM)
Câu 1. Điền 1 trong các từ sau vào chỗ trống [.....] sao cho phù hợp : có mục tiêu/ có mục đích/ có kế hoạch. (0,25 điểm)
Câu 2: Xác định phong cách ngôn ngữ  được sử dụng trong đoạn trích trên. (0,25 điểm)
Câu 2. Câu trả lời của chàng trai “Tôi vẫn ngủ được khi trời giông bão” có hàm ý gì? (0.25 điểm)
Câu 3. Nêu chủ đề chính của câu chuyện.(Trả lời trong khoảng 5-7 dòng) (0,5 điểm)
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 4 đến Câu 7:
Đây bát ngát Trường Sơn nằm ở giữa 
Hai chị em Lào - Việt hai bên 
Rừng tươi mát như mẹ hiền lắm sữa 
Nghìn chiến khu từng nương bóng mẹ hiền 

Tôi về giữa miền Nam trời của mẹ 
Miền Nam ơi! Nửa vạt áo mưa dầm 
Mỗi chiến công hay từng giọt lệ 
Đều xóa dần núi cách sông ngăn 
(Chim lượn trăm vòng - Chế Lan Viên)
Câu 4. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên. (0,25 điểm)
Câu 5. Xác định  2 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong hai câu thơ “Rừng tươi mát như mẹ hiền lắm sữa - Nghìn chiến khu từng nương bóng mẹ hiền . (0,5 điểm)
 Câu 6. Hình ảnh “Nửa vạt áo mưa dầm” thể hiện điều gì? (0,5 điểm)
Câu 7. Trình bày suy nghĩ của anh/chị về hai câu cuối “Mỗi chiến công hay từng giọt lệ -Đều xóa dần núi cách sông ngăn”. ( Trả lời trong khoảng 5-7 dòng) (0,5 điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
Trách nhiệm chính là thứ mà con người đôi lúc cảm thấy bị ràng buộc nhất. Tuy nhiên, đó cũng chính là yếu tố cơ bản cần phải có để xây dựng và phát triển nhân cách của mỗi con người”. (Frank Crane).
Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Câu 2 (4,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài và nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu.







SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TÂY NINH
TRƯỜNG THPT TÂY NINH
THANG ĐIỂM ĐỀ THI MINH HỌA-KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015
Môn: Ngữ văn
 Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Câu 1: Điền từ thích hợp : có kế hoạch.
- Điểm 0,25: Trả lời đúng theo một trong các cách trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 2: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/ ngôn ngữ nghệ thuật/ nghệ thuật.
- Điểm 0,25: Trả lời đúng theo một trong các cách trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 3: Câu trả lời của chàng trai “ Tôi vẫn ngủ được khi trời giông bão”  có hàm ý : Tôi là người làm việc cẩn thận, ngăn nắp, có kế hoạch, mọi chuyện đều nằm trong tầm kiểm soát nên không phải có gì lo lắng.
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
 - Điểm 0,25: Trả lời đúng, đầy đủ  ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
 - Điểm 0: Trả lời chung chung,trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời.
Câu 4: Chủ đề của câu chuyện: Nếu chúng ta làm việc có kế hoạch, làm thật tốt được mọi chuyện có thể thực hiện trong hiện tại thì chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào tương lai.
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
 - Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ  ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
 - Điểm 0,25: Trả lời chung chung, chưa thật rõ ý. 
- Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời.
Câu 4: Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: phương thức biểu cảm/biểu cảm.
- Điểm 0,25: Trả lời đúng theo 1 trong 2 cách trên.
 - Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời .
Câu 5: Biện pháp tu từ: so sánh ( như mẹ hiền), nhân hóa (nương bóng), ẩn dụ (bóng mẹ hiền), nói quá (nghìn chiến khu)
- Điểm 0,5: Trả lời đúng 2 trong 4 biện pháp tu từ theo cách trên
- Điểm 0,25: Trả lời đúng 1 trong 4 biện pháp tu từ theo cách trên
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời .
Câu 6: Hình ảnh “Nửa vạt áo mưa dầm” thể hiện nỗi khó khăn, gian truân, vất vả của miền Nam ; tình cảm tha thiết, gắn bó của nhân dân miền Nam gửi cho những người con tập kết ra Bắc, có thể là nước mắt mừng vui ngày đoàn tụ, cũng có thể là nước mắt đau thương khi người ra đi không trở lại,....
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
 - Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ  2 ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
 - Điểm 0,25: Trả lời chung chung, chưa thật rõ ý. 
- Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời.
Câu 7:  Hai câu cuối “Mỗi chiến công hay từng giọt lệ -Đều xóa dần núi cách sông ngăn : dù chiến thắng hay mất mất hi sinh đều thể hiện niềm tin vào chiến thắng, hai miền Nam - Bắc thống nhất, non sông Việt Nam nối liền một dãi,...
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
 - Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ  ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
 - Điểm 0,25: Trả lời chung chung, chưa thật rõ ý. 
- Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời.
II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
 - Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự đánh giá/thái độ/quan điểm đối với công việc của bản thân và những người xung quanh.
 - Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):
 - Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
            + Giải thích hai ý kiến để thấy được: trách nhiệm của con người một mặt là nói đến những ràng buộc về lời nói, hành vi, việc làm của mình phải bảo đảm đúng đắn, hoàn thành nếu không sẽ phải gánh chịu hậu quả. Mặt khác chính trách nhiệm cũng là một yếu tố cơ bản để xây dựng và phát triển nhân cách của mỗi người.
+ Chứng minh tính đúng đắn (hoặc sai lầm; hoặc vừa đúng, vừa sai) của ý kiến bằng việc bày tỏ sự đồng tình (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) đối với ý kiến. Lập luận phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.
+ Bình luận để rút ra bài học cho bản thân và những người xung quanh về lối sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
 - Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
 - Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
 - Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
 - Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2. (4,0 điểm)
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể:
 a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
 - Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):
 - Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: vẻ đẹp tâm hồn của Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài), người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu).
Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
 - Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
 c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng(2,0 điểm):
 - Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
+ Giới thiệu về tác giả, tác phẩm;
+  Phân tích vẻ đẹp của hai nhân vật:
*     Nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ)
Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được hình ảnh Mị là cô gái trẻ trung, yêu đời, yêu lao động, hiếu thảo, giàu lòng tự trọng, dù là thân  phận con dâu gạt nợ - bị vùi dập cả về thể chất lẫn tinh thần – nhưng vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, một sức mạnh vùng lên để giải phóng cho chính mình và góp phần giải phóng dân tộc.Nghệ thuật xây dựng tình huống, miêu tả tâm lý nhân vật đặc sắc, mang đậm màu sắc Tây Bắc của Tô Hoài.
*     Nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa)
Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được hình ảnh người đàn bàn hàng chài dù vẻ ngoài thô kệch, xấu xí, cuộc sống chứa đựng những đau khổ bất hạnh nhưng lại là người giàu đức hi sinh, vì chồng, vì con và rất thấu hiểu lẽ đời. Nghệ thuật xây dựng tình huống, miêu tả tâm lý nhân nhật sâu sắc.
+ Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của hai đoạn thơ để thấy được vẻ đẹp riêng của mỗi đoạn: Thí sinh có thể diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
*      Sự tương đồng:
Cả hai nhân vật đều bị hành hạ, ngược đãi cùng cực, là nạn nhân của đói  nghèo, thất học.
*     Nét khác biệt
ü  Mị : có sức sống tiềm tàng để vùng lên giải phóng cho chính mình  và góp phần giải phóng buôn làng thoát khỏi cuộc sống nô lệ, tối tăm.
ü   Người đàn bà hàng chài: cam chịu, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, trải đời, giàu đức hi sinh.
*     Lý giải và đánh giá
ü  Giống: Hình ảnh người phụ nữ truyền thống Việt Nam chịu thương, chịu khó.
ü   Khác: Mị là nạn nhân của chế độ thực dân, địa chủ, phong kiến miền núi. Người đàn bà hàng chài là nạn nhân của tình trạng đói nghèo và thất học.
Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.
 - Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
 -Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
 - Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
 Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0,5 điểm)
 - Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
 e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét