Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Đọc hiểu đề 15 phút



Ông Bằng soát lại hàng khuy áo, chỉnh lại cái cà vạt, ho khan một tiếng, dịch chân lại trước mặt bàn thờ.
(…) Ngước mái đầu hói, diềm tóc lơ thơ đã bạc hết, ông Bằng chắp hai tay trước ngực. Khói hương và khung cảnh trầm tĩnh đưa hiện tại về quá khứ. Thoáng cái, ông Bằng như quên hết xung quanh và bản thể. Dâng lên trong ông cái cảm xúc thiêng liêng rất đỗi quen thân và tâm trí ông bỗng mờ nhoà, phiêu diêu lãng đãng gần xa, ẩn hiện tầng tầng lớp lớp những ảnh hình khi tỏ khi mờ, chập chờn như trong chiêm bao. Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu. Con vẫn văng vẳng nghe đâu đây lời giáo huấn của ông cha, tiên tổ. Con vẫn đinh ninh ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của thầy mẹ, gia tộc, ông bà, cha mẹ, tổ tiên, con như thấy từ trong tâm linh, huyết mạch sự sinh sôi nảy nở, phúc thọ an khang của cháu con đời đời nối tiếp trong cộng đồng dân tộc yêu thương. …
… Trong giây lát, nhập vào dòng xúc động tri ân tiên tổ và những người đã khuất, ông Bằng lâng lâng trong những hoài niệm hư ảo, thoát trần. Nhưng, quá khứ không cắt rời với hiện tại, tổ tiên không tách rời với con cháu, tất cả liên kết thành một dòng mạch bền chặt thuỷ chung, bởi vậy, chỉ lát sau trở về với những người đang sống và khoảng khắc hiện tại, mắt ông bỗng cay sè. Ông vội cúi xuống, lật bật những lời cầu khấn thành kính và run rẩy:
- Hôm nay, ngày ba mươi tháng Chạp năm Bính Tuất, buổi tất niên, con cùng các nam tử, nữ tử, tôn tử…
                                    (Mùa lá rụng trong vườn- Ma Văn Kháng, NXB Phụ nữ, Hà Nội,1985)
Đọc kỹ đoạn văn và trả lời những câu hỏi sau:
1.      Không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc trong gia đình ông Bằng được thể hiện qua những yếu tố nào?
2.      Dòng tâm tư của ông Bằng trước bàn thờ được thể hiện bằng các từ láy nào?  Nêu hiệu quả biểu đạt của chúng.
3.      Viết một  đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét