24/04/2015 14:02
(NLĐO) – “Đề văn hay là phải khơi gợi được sự sáng tạo của học sinh chứ không phải cách ra đề vừa khó hiểu vừa chưa chặt chẽ trong câu cú” – một bạn đọc bình luận sau khi đọc đề thi môn ngữ văn lớp 9 của Phòng GD-ĐT quận 10, TP HCM ngày 22-4.
Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài viết Đề thi ngữ văn lớp 9 sáng nay “gài bẫy” học sinh?, hàng trăm bạn đọc đã gửi ý kiến sôi nổi thể hiện quan điểm trước đề thi gây tranh cãi này.
Đề văn không trong sáng
Sau khi đọc đề thi (ảnh), đa số ý kiến
bạn đọc cho rằng người ra đề cố ý đánh đố học sinh qua những câu hỏi
không rõ ràng. Bạn đọc Nguyễn Văn Chí cho biết đề thi sai ở chỗ gom cả 2
câu thơ của Nguyễn Du và đoạn văn của Nguyễn Đình Thi vào cùng một
ngoặc kép. “Vì bài văn của Nguyễn Đình Thi cũng trích lại 2 câu của
Nguyễn Du nên dễ gây nhầm lẫn. Nói chung, người ra đề đã làm tối sự
trong sáng của tiếng Việt!”.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Anh cho
rằng với đề văn này, người lớn nếu đọc kỹ sẽ dễ dàng hiểu yêu cầu của
người ra đề nhưng với một học sinh cấp 2 thì đây rõ ràng là một “cái
bẫy”.
“Sao không viết nguyên câu “Nêu tên tác
giả và tác phẩm của đoạn bình luận này?” mà cứ nói lửng lơ? Nói về tư
duy logic, rõ ràng câu nói lấp lửng trong đề hoàn toàn có thể hiểu là
nêu tên tác giả của đoạn bình luận cũng đúng hoặc nêu tên tác giả của
hai câu thơ cũng đúng luôn!” – bạn đọc viết.
Nhiều bạn đọc là phụ huynh học sinh cũng
bày tỏ thái độ bức xúc trước đề thi này và cho biết con em mình làm bài
không đạt do “bị gài”. Phụ huynh cho rằng với đề thi này, những học
sinh trình độ học sinh trung bình khá trở xuống sẽ bị nhầm lẫn. “Như vậy
có quá sức đối với các cháu?” – bạn đọc băn khoăn.
Trong khi đó, không ít bạn đọc thẳng
thắn chỉ trích đề thi vì “không nhằm đánh giá chất lượng học sinh mà
muốn thể hiện năng lực của người ra đề”.
Bạn đọc Minh Anh – một học sinh sắp thi tốt nghiệp THPT – bày tỏ quan điểm rằng việc ra đề khó cũng là một cách đánh giá học sinh nhưng khó với đánh đố là cả một chân trời khác biệt.
“Đưa một đoạn văn không có trong chương trình học vào bài thi đại học
là sự thay đổi lớn rồi, đây còn là bài thi học kỳ của học sinh lớp 9,
người làm thầy có phải đang muốn tỏ ra mình đọc nhiều hiểu nhiều hơn
người khác?” – bạn đọc này thắc mắc.
Không chỉ bắt lỗi về ngữ pháp và cách
diễn đạt đánh đố, đề thi còn bị nhiều người “ném đá” vì không khơi gợi
được sự sáng tạo của học sinh. Bạn đọc Minh Hiền nhận xét đề thi không
hay vì chỉ để kiểm tra trí nhớ, không đòi hỏi sáng tạo: “Thi thế này các
cháu dễ bị bệnh tâm thần lắm vì đầu óc đâu mà nhớ như 1 ổ USB. Nếu nói
theo quan điểm triết học biện chứng thì giáo dục kiểu này phản lại quy
luật vận động”.
“Hãy là bài thi mở để cở mở cho các em
tự khám phá những suy nghĩ của mình. Thật sự không nên ra kiểu câu hỏi
thế này. Câu hỏi không hay mà còn rối rắm gây ức chế các em” – bạn Hữu
Nhiên viết. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng về mặt văn học, bắt học
sinh phân tích lại ý của một tác giả khác cũng phân tích về hai câu thơ
của Nguyễn Du là ý tưởng tệ, không phát huy được trí sáng tạo của các
em.
Chỉ có “những con vẹt” mới không hiểu?
Trước đại đa số ý kiến chỉ trích đề thi, nhiều bạn đọc vẫn giữ vững quan điểm cho rằng đề thi hay, không đánh đố, chỉ những học sinh được rèn theo kiểu rập khuôn, máy móc mới bị nhầm lẫn. “Dạy kiểu đó nên sản phẩm chỉ toàn những con vẹt giỏi của xã hội!” – bạn đọc Thy Thy bức xúc.
Đồng quan điểm trên, bạn đọc Hạ Long
thốt lên: “Đề ra theo chuẩn thì phê khuôn mẫu, không sáng tạo, không
kích thích, phát huy được tư duy học sinh; đề ra sáng tạo thì phê đánh
đố, gài bẫy. Muốn đề không gài bẫy chỉ còn cách ra theo kiểu: “Đọc/chép
thuộc lòng đoạn thơ/văn...””.
Một giáo viên cho rằng đề thi không có
gì bất hợp lý, ngược lại còn rất sáng tạo. “Đề chỉ khó nếu trong chương
trình học không có tác phẩm "Tiếng nói văn nghệ" của Nguyễn Đình Thi.
Học văn đến lớp 9 là phải biết đâu là đoạn thơ, đâu là đoạn phê bình văn
học. Các thầy cô lo lắng là không có cơ sở! Dạy cho các em cái tư duy
văn học chứ không phải cái khuôn mẫu đã định hình” – bạn đọc viết.
Bạn đọc Vinh cũng khẳng định rằng “đề
thi chỉ hơi khó chứ không có gì sai. Đề như thế này mới tránh được học
tủ, học vẹt, học mẫu và luyện thi”!
Đây không phải là đề thi đổi mới!
Trước ý kiến cho rằng đề thi do Phòng GD-ĐT quận 10 là theo hình thức đổi mới,
giáo viên một trường THPT tại TP HCM nhận định rằng đề thi này về hình
thức có khác lạ nhưng thật ra, nội dung vẫn không có gì mới mẻ.Bởi lẽ, đổi mới thi cử tức là ra những câu hỏi phải mang tính chất gợi mở, tránh lối mòn tư duy và những khuôn mẫu chung về hình thức nhưng vẫn gợi mở giúp học sinh có định hướng về cách viết. Bên cạnh đó, đề thi đổi mới phải tạo khả năng cho học sinh tự do lựa chọn vấn đề và cách giải quyết vấn đề; giúp học sinh phát huy sự sáng tạo, linh hoạt, suy nghĩ và cảm thụ độc lập. Đề mở không những kích thích khả năng tư duy sáng tạo cho học sinh mà còn có thể phân loại được học sinh.
Tuy nhiên, ở đề thi ngữ văn trên, bản thân câu hỏi không chỉ mang tính đánh đố mà còn rối rắm, mù mờ, không rõ nghĩa khiến học sinh rất khó hiểu.
Khó hiểu khác với hiểu theo những hướng khác nhau. Đã không hiểu câu hỏi sao có thể bắt các em hiểu như thế nào?
Bản thân phần phụ chú “qua đôi câu thơ”
là rất… vô duyên, trình bày văn phạm tối nghĩa, dài dòng. Đọc yêu cầu
“b” của đề, chắc chắn sẽ có học sinh nhầm lẫn từ ví dụ của Nguyễn Đình
Thi bình vời hai câu thơ của Nguyễn Du.
Hoặc có học sinh sẽ hiểu từ trong đoạn
trích của Nguyễn Đình Thi bình về hai câu thơ của Nguyễn Du, tìm thêm
những cụm từ về vẻ đẹp của văn học nghệ thuật ở cùng đoạn trích trên.
Nếu cách hiểu thứ nhất đúng thì bản thân
Nguyễn Đình Thi đã bình quá hay, sử dụng những cụm từ quá hay còn bắt
học sinh tìm thêm làm gì? Còn nếu cách hiểu thứ hai đúng thì bản thân
phần phụ chú trong ngoặc đơn không có ý nghĩa gì.
Một câu hỏi đề thi mà dài dòng, tối nghĩa thì không nên!
Đ. Trinh ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét