Nhiều người băn khoăn nếu học các bộ sách giáo khoa (SGK) ngữ văn khác nhau thì sẽ kiểm tra, thi cử, đánh giá thế nào?
Tiết học môn ngữ văn của học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi
Với việc kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ của mỗi trường thì không có gì khó, nhưng với kỳ thi kiểm tra trên diện rộng như thi tốt nghiệp cuối cấp, thi tuyển chọn vào trường THPT thì không đơn giản. Về lý thuyết khi thực hiện dạy học theo nhiều SGK thì việc kiểm tra, đánh giá phải căn cứ vào yêu cầu của chương trình, đánh giá theo chương trình. Các SGK cụ thể không còn là chỗ dựa để ra đề kiểm tra, thi cử như lâu nay nữa. Tuy nhiên cần lưu ý, việc kiểm tra thường xuyên vẫn phải dựa vào các SGK cụ thể mà nhà trường đã chọn. Ví dụ, khi học sinh học xong tác phẩm Lão Hạc (Nam Cao) hay bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu), giáo viên vẫn phải dựa vào các văn bản tác phẩm này để ra đề kiểm tra xem các em có hiểu và đạt được các yêu cầu do chương trình đề ra không. Nhưng khi đánh giá cuối kỳ, cuối năm, đặc biệt thi vào trường THPT hoặc thi cuối cấp học, để đánh giá đúng năng lực ngữ văn, chương trình 2018 đã lưu ý: a) Cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, độ khó...); b) Sử dụng, khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; c) Tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học.
Như thế cần xem yêu cầu cần đạt của chương trình mỗi lớp, trong đó các lớp cuối cấp là hết sức quan trọng, tập trung vào yêu cầu đọc hiểu và viết. Yêu cầu cần đạt nêu trong chương trình mỗi lớp là yêu cầu cho cả một năm học. Vì thế giáo viên và tổ bộ môn cần có kế hoạch đánh giá ngay từ đầu năm cho mỗi lớp để xác định rõ: a) Đánh giá các năng lực đọc, viết, nói và nghe theo chương trình gồm những yêu cầu nào? b) Đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản văn học, văn bản nghị luận và văn bản thông tin sẽ thực hiện qua các bài nào? Bằng hình thức gì? c) Đánh giá năng lực viết văn bản như thế nào? Mấy bài viết, kiểu văn bản, thời gian?… d) Đặc biệt cấu trúc của đề kiểm tra đánh giá định kỳ và các kỳ thi quan trọng như thế nào, tỉ lệ giữa đọc hiểu và viết, giữa nghị luận văn học và nghị luận xã hội…? e) Đánh giá năng lực nói và nghe cũng như các phẩm chất và năng lực chung bằng cách nào?
Cần phân biệt đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết. Đánh giá năng lực đọc hiểu chỉ cần tập trung vào yêu cầu hiểu văn bản, kiểm tra thông tin phản hồi của học sinh là chính, không cần chú ý kỹ năng viết nên có thể sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan để quét được nhiều đơn vị kiến thức, đáp ứng được nhiều yêu cầu đọc hiểu văn bản giống như cách làm của PISA (Programme for International Student Assessment). Trong khi đó, đánh giá năng lực viết kiểm tra được cả đọc hiểu văn bản và kỹ năng viết. Ví dụ, yêu cầu phân tích bài thơ nào đó thì trước hết học sinh phải đọc hiểu, sau đó mới diễn đạt điều mình hiểu thành văn, thể hiện bằng kỹ năng viết (dùng từ, viết câu, diễn đạt, trình bày...).
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét