Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Ví dụ ra đề ĐGNL: HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT

HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT
(Trích)
“…Hồn Trương Ba (một mình): Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta…(sau một lát). Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!
 (Đứng dậy, lập cập nhưng quả quyết, đến bên cột nhà, lấy một nén hương châm lửa, thắp lên. Đế Thích xuất hiện.
 Đế Thích: Ông Trương Ba ! (thấy vẻ nhợt nhạt của Hồn Trương Ba) Ông có ốm đau gì không? Một tuần nay tôi bị canh giữ chặt quá, không xuống đánh cờ với ông được, nhưng ông đốt hương gọi, tôi đoán là ông có chuyện khẩn, tôi liều mạng xuống ngay. Có việc gì thế?
Hồn Trương Ba: (sau một lát) Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!
Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!
Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.
 Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì đâu ông!
Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!
Đế Thích: (không hiểu) Nhưng mà ông muốn gì?
Hồn Trương Ba: Ông từng nói : Nếu thân thể người chết còn nguyên vẹn, ông có thể làm cho hồn người đó trở về. Thì đây, (chỉ vào người mình) thân thể anh hàng thịt còn lành lặn nguyên xi đây, tôi trả lại cho anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống lại với thân xác này.
Đế Thích: Sao lại có thể đổi tâm hồn đáng quý của bác lấy chỗ cho cái phần hồn tầm thường của anh hàng thịt?
Hồn Trương Ba: Tầm thường, nhưng đúng là của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra là để sống với nhau. Vả lại, còn …còn chị vợ anh ta nữa…chị ta thật đáng thương!
Đế Thích: Nhưng thế hồn ông muốn trú vào đâu?
Hồn Trương Ba: Ở đâu cũng được, chứ không ở đây nữa. Nếu ông không giúp, tôi sẽ..tôi sẽ…nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn, xác anh hàng thịt cũng mất….”
(Lưu Quang Vũ, SGK Ngữ văn 12, tập 2, Nxb GD 2008)
Câu hỏi  1: Câu nói: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”  của hồn Trương Ba có ý nghĩa gì?
A.    Con người phải có khát vọng sống và lý tưởng sống
B.     Con người phải có cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần
C.     Con người phải là một thể thống nhất hài hòa giữa hồn và xác
D.     Con người phải có sự thống nhất giữa hành động và suy nghĩ
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 1
Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng khái quát thông tin của câu nói trong văn bản.
Mức đầy đủ
Mã 1: Phương án C
Mức không tính điểm
      Mã 0: Các phương án khác
      Mã 9: Không trả lời
Câu hỏi 2: Qua cuộc đối thoại của hồn Trương Ba với Đế Thích, tác giả Lưu Quang Vũ đã gửi gắm những quan niệm của mình về điều gì?
A.    Cái chết
B.     Hạnh phúc
C.     Lẽ sống
D.    Cả A, B, C
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 2
Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng đọc hiểu văn bản.
Mức đầy đủ
     Mã 2: Phương án D
Mức không đầy đủ
     Mã 1: Nêu được 1 trong các phương án A, B, C.
Mức không tính điểm
       Mã 0: Có câu trả lời khác
      Mã 9: Không trả lời
Câu hỏi 3: Câu nói: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết …” của hồn Trương Ba nói với Đế Thích đã khiến người đọc có liên tưởng đến những cách sống nào của con người trong xã hội?
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 3
Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng liên tưởng, vận dụng những kiến thức đã học từ văn bản vào đời sống.
Mức đầy đủ
      Mã 2: HS nêu được đầy đủ cách sống của con người trong xã hội: sống dựa dẫm vào người khác; sống không đúng, không thật với chính mình; sống mất cân bằng giữa vật chất và tinh thần; sống có ý nghĩa....
Mức không đầy đủ
      Mã 1: Nêu được 1 trong các ý trên hoặc nêu được các ý nhưng chưa đầy đủ.
Mức không tính điểm
     Mã 0: Có câu trả lời khác
     Mã 9: Không trả lời
Câu hỏi 4: Câu nói trên của hồn Trương Ba với Đế Thích đã thể hiện ý thức sâu sắc của ông về vấn đề sống và cách sống sao cho không vô nghĩa . Em có suy nghĩ gì về vấn đề này trong thời đại ngày nay?
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 4
Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng thể hiện cảm nhận của HS về ý nghĩa triết lí sâu xa của câu nói trong văn bản.
Mức đầy đủ
     Mã 3: HS trình bày được những ý sau:
-         Tạo lập được đoạn văn, đảm bảo logic về ý.
-         Thể hiện được cảm nhận của cá nhân về ý nghĩa của câu nói: sống cần phải chân thật, sống là chính mình, không sống thừa, sống dựa dẫm ...thì cuộc sống mới có ý nghĩa, mới có giá trị....
-         Diễn đạt sáng rõ, đúng chính tả.
Mức không đầy đủ
      Mã 2: Viết được đoạn văn, trình bày được một số ý, nhưng chưa thật đầy đủ, sâu sắc.
      Mã 1: Chỉ viết được 1 vài câu, ý sơ sài.
Mức không tính điểm
    Mã 0: Viết sai lạc nội dung.

    Mã 9: Không trả lời
----------
Trích tài liệu HD của BGD 6.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét