Gần đây, những đề thi tự luyện mà cô giáo Trịnh Thu Tuyết đăng trên trang cá nhân đã thu hút đông đảo học sinh quan tâm. Đặc biệt, những câu hỏi đọc – hiểu trong đề thi đều rất hay, đề cập đến những vấn đề thời sự và tác động đến nhận thức của học sinh.
Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết
Định kì hàng tuần, cô giáo Trịnh Thu Tuyết (GV Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI) ra một đề thi hoàn chỉnh để học sinh ôn tập, rèn kĩ năng làm bài. Những câu hỏi đọc – hiểu trong đề thi của cô đề cập đến những vấn đề nhân văn như lòng yêu nước, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, mối quan hệ giữa luật pháp và đạo đức con người…
Mới đây nhất, cô Trịnh Thu Tuyết đã dẫn một trích đoạn đã rất quen thuộc với học sinh:
"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh).
1. Anh/chị hãy đặt tên cho đoạn trích.
2. Chỉ ra phép liên kết chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn.
3. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào để thể hiện lòng yêu nước trong câu "Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước" ?
4. Với hai cụm động từ "lướt qua... " và " nhấn chìm...", tác giả đã khẳng định điều gì ở lòng yêu nước? Sự khẳng định đó đã được chứng minh như thế nào trong lịch sử giữ nước oanh liệt của dân tộc?
(Trích đề tự luyện số 3, cô Trịnh Thu Tuyết)
Với đề đọc hiểu này, cô Trịnh Thu Tuyết đưa ra một vài gợi ý để học sinh giành trọn 3 điểm.
Câu hỏi đầu tiên với dạng câu hỏi yêu cầu đặt tên cho đoạn, học sinh có thể trả lời bằng nhiều cách. Học sinh có thể tham khảo cách đặt tên của SGK phổ thông như “tinh thần yêu nước của nhân dân ta”. Trả lời đúng ý này, học sinh được 0.25 điểm.
Câu hỏi thứ 2 yêu cầu học sinh chỉ ra phép liên kết. Học sinh chú ý các từ “ấy”, “đó”, “nó” đều được dùng để thay thế cho “lòng nồng nàn yêu nước”. Từ đó, xác định phép liên kết chủ yếu ở đoạn văn là phép thế. Học sinh cần phải nhấn mạnh phép thế này vừa tránh cách diễn đạt lặp lại, vừa thể hiện sự nhấn mạnh đến chủ đề xuyên suốt trong đoạn văn là chủ đề luận về lòng yêu nước. Học sinh không nên gạch đầu dòng mà nên viết thành một đoạn văn ngắn. Trả lời đúng, đủ câu hỏi này, học sinh được 0.25 điểm.
Câu hỏi 3 yêu cầu học sinh chỉ ra biện pháp nghệ thuật trong câu. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ khi ngầm so sánh sức mạnh của lòng yêu nước với “một làn sóng...”. Biện pháp ẩn dụ vừa thể hiện sự mạnh mẽ, cuộn trào của lòng yêu nước vừa thể hiện được đặc điểm liên hồi, ào ạt, dữ dội của lòng yêu nước mỗi khi đất nước có kẻ thù xâm lược. Bên cạnh đó, nhà văn cũng sử dụng phép điệp trong cấu trúc “nó kết thành... nó lướt qua... nó nhấn chìm...” nhằm nhấn mạnh sức mạnh của lòng yêu nước, tạo nên giọng điệu đanh thép, hùng hồn, sự khẳng định một cách quả quyết. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng phép liệt kê trong cả ba vế câu nhằm thể hiện tính chất nhấn mạnh đối với vấn đề được nói tới.
Với câu hỏi này, nếu học sinh chỉ đơn thuần chỉ ra những biện pháp nghệ thuật thì sẽ không đạt điểm tối đa, học sinh cần chỉ ra tác đụng của từng biện pháp nghệ thuật thì mới đạt 0.5 điểm.
Ở ý cuối cùng, hai cụm động từ “lướt qua” và “nhấn chìm”, tác giả đã khẳng định sức mạnh vô địch của lòng yêu nước đã giúp nhân dân ta có thể vượt qua mọi khó khăn để chiến thắng mọi kẻ thù đe dọa chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
Học sinh có thể chứng minh bằng những trang sử hào hùng của dân tộc, từ những cuộc chiến chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh... tới hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ..., khi chúng ta là một nước nhỏ nhưng chưa hề khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Trả lời trọn vẹn ý này, học sinh đạt 0.5 điểm.
Qua những câu hỏi đọc – hiểu, cô Trịnh Thu Tuyết nhắc nhở, đề thi thường yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức tổng hợp từ tiếng Việt với phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, phương thức trần thuật, phép liên kết văn bản.... cho đến các kiến thức về văn học sử, kĩ năng cảm thụ, phân tích... để đọc và hiểu một văn bản thơ hoặc văn xuôi.
Với kinh nghiệm nhiều năm nằm trong đội ngũ ra đề và chấm thi đại học, cô Trịnh Thu Tuyết chỉ ra những sai lầm thường gặp khi làm dạng đề này như trả lời sai về kiến thức Tiếng Việt do nhầm lẫn các khái niệm, viết đoạn lan man, không tập trung theo yêu cầu cảm thụ hay phân tích theo yêu cầu của đề; trả lời cụt lủn; trả lời quá dài dòng tốn nhiều thời gian…
Để khắc phục, học sinh phải ôn lại một cách hệ thống các kiến thức tiếng việt từ THCS tới THPT; nắm chắc các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm, về giá trị nội dung và nghệ thuật của mỗi tác phẩm. Khi làm bài, phải lưu ý đáp ứng đúng yêu cầu của từng kiểu câu hỏi trong đề ra, tránh lan man hoặc sơ sài, viết đúng chuẩn mực của một đoạn văn (không xuống dòng, không gạch đầu dòng...) với các câu yêu cầu viết đoạn).