TTO - Cô Lê Thị Tuyết Anh - giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM - dặn dò như vậy khi học và ôn thi môn văn.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM năm 2014 - Ảnh: Trần Huỳnh |
Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, năm học 2014-2015 này là năm đầu tiên học sinh cuối bậc THPT chỉ thi một kỳ thi quốc gia và dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển sinh ĐH. Cũng theo thông tin của Bộ GD-ĐT, cấu trúc đề thi các môn sẽ giống cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH năm trước. Vì thế đề thi môn văn sẽ có ba phần: đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học
Với yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh, đề thi sẽ theo bốn cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Vì thế các em cần ôn luyện kiến thức theo ba phần sau:
1. Phần đọc hiểu
Ngữ liệu sẽ là văn bản nhật dụng, thơ hoặc văn xuôi trong sách giáo khoa (SGK) hoặc ngoài SGK với nhiều câu hỏi xoay quanh những kiến thức như:
- Xác định nội dung văn bản;
- Chỉ ra các phương thức biểu đạt của văn bản (miêu tả, tự sự, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính - công vụ);
- Nêu phong cách ngôn ngữ (PCNN) được sử dụng trong văn bản và lý giải. Đó là các PCNN sinh hoạt, PCNN nghệ thuật, PCNN khoa học, PCNN hành chính, PCNN báo chí, PCNN chính luận;
- Phân tích các phép liên kết trong văn bản;
- Chỉ ra các biện pháp tu từ (so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, tương phản, các phép điệp…) và nêu ý nghĩa hoặc hiệu quả biểu đạt của nó;
- Xác định các loại từ như từ láy, từ tượng thanh, từ tượng hình… và nêu ý nghĩa của từ;
- Ý nghĩa biểu cảm của nhịp thơ, giọng thơ;
- Lý giải về một vấn đề đặt ra trong văn bản….
Ví dụ:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
(Đất nước - Nguyễn Đình Thi)
Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau:
1. Đoạn thơ thể hiện tâm tư, tình cảm gì của tác giả. (0,5 điểm)
2. Nêu ý nghĩa tu từ của từ láy "rì rầm" trong đoạn thơ (0,5 điểm)
3. Xác định các dạng của phép điệp trong đoạn thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng? (1 điểm) (Trích đề thi tuyển sinh đại học khối D năm 2014)
* Phương pháp làm bài:
- Nên đọc hệ thống câu hỏi trước để biết đề yêu cầu những gì để các em có định hướng đọc văn bản. Sau đó đọc qua văn bản một lần rồi mới vừa đọc vừa trả lời theo câu hỏi. Cách đọc như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và trả lời đúng trọng tâm.
- Không làm thành bài văn mà bám sát theo câu hỏi, trả lời từng câu, từng phần.
* Những điều cần lưu ý:
- Cần trang bị, ôn luyện và thường xuyên thực hành những kiến thức trên để tránh nhầm lẫn giữa PCNN và phương thức biểu đạt; giữa PCNN này với PCNN khác…
- Trong một văn bản có thể có nhiều phương thức biểu đạt và nhiều PCNN. Vấn đề ở đây là thí sinh cần lý giải cho đúng.
- Để lý giải văn bản ấy thuộc PCNN nào cần phải dựa vào nội dung văn bản và đặc trưng PCNN, còn nguồn dẫn chỉ là một yếu tố nhỏ để tham khảo. Nhiều thí sinh chỉ căn cứ vào nguồn dẫn này để lý giải nên câu trả lời thiếu chính xác.
- Để xác định những nội dung trong văn bản, thí sinh cần đọc kỹ và tóm tắt ngắn gọn tất cả những ý chính trong văn bản, nếu chỉ nêu một nội dung sẽ bị mất điểm đấy!
- Để nêu ý nghĩa tác dụng (hoặc hiệu quả biểu đạt) của một biện pháp tu từ nào đó, các em cần nêu ý nghĩa tác dụng về nội dung và cả về nghệ thuật.
2. Phần nghị luận xã hội:
Những năm gần đây đề thi không tách rời hai kiểu bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý và về một hiện tượng đời sống. Đồng thời, đề thi thường yêu cầu thí sinh bàn về hai ý kiến hay hai khía cạnh ngay trong một nhận định.
Ví dụ: Có ý kiến cho rằng: "Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa" là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 600 từ) bày tỏ chủ kiến của mình. (Trích đề thi tuyển sinh đại học khối D năm 2014)
* Phương pháp làm bài:
Thí sinh cần làm bài theo trình tự sau:
- Mở bài: dẫn dắt và giới thiệu yêu cầu đề
- Thân bài: Giải thích hai khía cạnh (hoặc hai ý kiến), chỉ ra mối quan hệ giữa hai khía cạnh (hoặc hai ý kiến); lần lượt bàn luận từng khía cạnh (hoặc từng ý kiến); rút ra bài học nhận thức và hành động từ hai khía cạnh (hoặc hai ý kiến).
- Kết bài: Đánh giá hai khía cạnh (hoặc hai ý kiến), nêu suy nghĩ của bản thân.
* Những điều cần lưu ý:
- Cần thể hiện rõ chính kiến của bản thân về vấn đề đặt ra trong đề bài.
- Cần kết hợp lý lẽ và dẫn chứng. Nhất là biết cách phân tích dẫn chứng phù hợp với yêu cầu đề ra.
- Dẫn chứng phải thuyết phục do tính chọn lọc, cụ thể, điển hình, được rút ra từ thực tế cuộc sống. Không lấy dẫn chứng là các nhân vật văn học vì đó là nhân vật hư cấu hay dẫn chứng không rõ ràng như “bạn em”, “hàng xóm nhà em”, ông N. V.X., bà T.T.Y. Nếu thiếu phần dẫn chứng hoặc dẫn chứng không rút ra từ thực tế , bài viết chỉ còn nửa số điểm, tối đa là 1,75 điểm/3 mà thôi.
- Thao tác bài học nhận thức và hành động phải nằm ở cuối đoạn thân bài chiếm 0,5 điểm /3. Vì vậy thí sinh cần viết cụ thể, chi tiết để hưởng trọn số điểm. Tránh nhập chung thao tác này vào phần kết luận, xem như bài làm thiếu một thao tác ở thân bài, thí sinh sẽ mất 0,5 điểm.
3. Phần nghị luận văn học:
Các em cần nắm vững các tác phẩm và kiến thức trọng tâm trong SGK qua hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài, ghi nhớ và luyện tập ở cuối mỗi bài. Đừng quên thuộc lòng các bài thơ, các dẫn chứng văn xuôi…
* Phương pháp làm bài:
- Phải đọc kỹ đề và nắm vững yêu cầu đề.
- Cần biết cách nhận định đề, phân biệt các kiểu bài để từ đó vận dụng đúng kỹ năng và các thao tác làm bài, xác định luận điểm phù hợp.
+ Phân tích (hoặc cảm nhận) một đoạn thơ, một đoạn văn;
+ Phân tích theo định hướng;
+ So sánh hai đoạn thơ hoặc hai đoạn văn hay hai nhân vật hoặc hai kết thúc truyện;
+ Bình luận hai ý kiến…
- Ở kiểu bài so sánh, thí sinh cần thực hiện theo trình tự:
+ Mở bài: Giới thiệu cả hai hai tác giả và xác định luận đề - điểm chung của hai vấn đề (hai nhân vật hoặc hai đoạn thơ hoặc hai đoạn văn …).
+ Thân bài: Lần lượt giới thiệu từng tác phẩm và phân tích từng vấn đề cả về nội dung và nghệ thuật; Đánh giá điểm giống nhau và khác nhau giữa chúng.
+ Kết luận: đánh giá hai vấn đề, hai tác giả.
- Ở kiểu bài bình luận hai ý kiến
+ Với hai ý kiến có tính chất bổ sung, trước tiên thí sinh giải thích cả hai ý kiến, sau đó tách ra phân tích, bàn luận theo từng ý kiến, cuối cùng tổng hợp lại.
Ví dụ: Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp. Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên. (Trích đề thi tuyển sinh đại học khối C năm 2013)
+ Với hai ý kiến có tính chất đối lập - tương phản, thí sinh phải sử dụng thao tác bác bỏ, thuyết phục, định hướng người đọc vào ý kiến đúng. Sau đó phân tích, bình luận ý kiến đúng ấy.
Ví dụ: Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ Vội vàngcủa Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: đó là tiếng nói của cái tôi vị kỷ tiêu cực. Lại có ý kiến khẳng định: đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực. Từ cảm nhận của mình về niềm khát khao đó, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên. (Trích đề thi tuyển sinh đại học khối D năm 2013)
* Những điều cần lưu ý:
- Tất cả các bài làm phải có luận điểm rõ ràng, hợp lý, bám sát với yêu cầu đề ra, nếu không bài viết sẽ sa vào diễn xuôi hoặc kể chuyện.
- Ở kiểu bài so sánh, tránh làm thành hai bài văn độc lập như hai mở bài, hai thân bài, hai kết luận. Thí sinh sa vào những trường hợp này chỉ đạt điểm tối đa là 2/5.
- Phải dẫn dắt và đưa nội dung đề ra vào trong phần mở bài, nếu không bài làm sẽ mất 0,5 điểm/5 và rất dễ lạc đề.
- Phần kết bài phải khẳng định lại vấn đề theo nội dung đề ra, khái quát giá trị tác phẩm, phong cách tác giả và vị trí của tác giả trong văn học.
Chúc các em ôn luyện kỹ, tự tin và thi đạt kết quả tốt nhất. Với cách ra đề môn văn những năm gần đây, hãy tin rằng đề thi không bao giờ “làm khó”, “đánh đố” thí sinh mà chỉ phân loại, đánh giá rất chính xác năng lực thí sinh.
Những thí sinh nào vững vàng và biết chủ động về kiến thức, nắm vững phương pháp và kỹ năng làm bài, khả năng lập luận chặt chẽ, diễn đạt gãy gọn, súc tích... sẽ “vượt vũ môn” dễ dàng. Ngược lại, những thí sinh chỉ quen học thuộc lòng văn mẫu sẽ “thua” đấy, các em ạ.
LÊ THỊ TUYẾT ANH
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM