Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

BGD HƯỚNG DẪN VỀ ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

(Trích Tài liệu tập huấn Đổi mới PPDH và kiểm tra đánh giá của BGD  trong MÔN NGỮ VĂN, tập huấn tại TP-HCM vào tháng 6/2014 ở KS Đại Nam)
                                                          -------------------------------
3. Về đọc hiểu văn bản: Đọc hiểu bất kì một văn bản nào, người đọc cũng phải thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Tìm kiếm thông tin từ văn bản.
- Giải thích, cắt nghĩa, phân loại, so sánh, kết nối… thông tin để tạo nên hiểu biết chung về VB.
- Phản hồi và đánh giá thông tin trong văn bản.
- Vận dụng những hiểu biết về các văn bản đã đọc vào việc đọc các loại văn bản khác nhau, đáp ứng những mục đích học tập và đời sống.
Để đạt được các nhiệm vụ trên, trong quá trình dạy học đọc hiểu, HS cần thực hiện các nội dung cơ bản sau:
a) Huy động vốn kiến thức và kinh nghiệm của bản thân - là những hiểu biết về chủ đề hay hiểu biết về các vấn đề văn hóa xã hội có liên quan đến chủ đề, thể loại của văn bản)
b)  Thể hiện những hiểu biết về văn bản:
- Tìm kiếm thông tin: đọc lướt để tìm ý chính; đọc kĩ để tìm các chi tiết.
- Giải thích, cắt nghĩa, phân loại, phân tích, so sánh, kết nối, tổng hợp… thông tin để tạo nên hiểu biết chung về văn bản:
+ Giải thích nghĩa và tác dụng của từ ngữ, hình ảnh, câu văn, chi tiết, biện pháp tu từ...  trong VB.
+ Thu thập thông tin từ những yếu tố khác của văn bản như các bản đồ, biểu đồ, đồ thị… (nếu có).
+ Chỉ ra được mối quan hệ giữa các thông tin trong văn bản.
+ Sắp xếp các chi tiết trong văn bản theo một trình tự nhất định (theo thứ tự thời gian hoặc không gian), phân loại các chi tiết được đưa ra.
+ Nắm được ý chính của các đoạn trong văn bản.
+ So sánh để chỉ ra sự tương đồng hoặc khác biệt giữa các tư tưởng/quan điểm (của các nhân vật).
+ Phân tích các mô hình tổ chức trong văn bản: liệt kê/nêu trình tự các ý tưởng hay sự kiện, so sánh – đối lập, nguyên nhân – kết quả, các lí do/tổng hợp-kết luận, vấn đề-giải pháp.
+  Đưa ra những kết luận về văn bản từ các thông tin, quan điểm của người viết...
Phản hồi và đánh giá thông tin trong văn bản:
+ Đánh giá các thông tin, các cảm xúc, suy nghĩ của người viết.
+ Nhận ra những khuynh hướng tư tưởng của người viết (ví dụ: qua những từ ngữ, ngôn ngữ văn học mà người viết sử dụng).
+ Đưa ra những sự khái quát hóa ở mức độ phê bình bằng cách: kết nối/ so sánh với  các văn bản khác (về thể loại, về các hình ảnh, chi tiết…).
+ Làm rõ phong cách của người viết ở các khía cạnh: sử dụng ngôn từ (từ vựng, ngữ pháp), sử dụng các kĩ thuật viết/biện pháp nghệ thuật, cách thức và quan điểm khi đề cập đến một chủ đề hoặc đề tài nào đó.
c) Vận dụng những hiểu biết về các văn bản đã đọc hiểu vào việc đọc các loại văn bản khác nhau, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ học tập, các nhiệm vụ trong đời sống yêu cầu dùng đến hoạt động đọc hiểu.
+ Đọc các văn bản khác (ngoài CT, SGK) có cùng đề tài/chủ đề hoặc hình thức thể hiện để củng cố những hiểu biết và rèn luyện kĩ năng đọc hiểu.
+ Suy luận để bàn luận về những vấn đề trong cuộc sống có thể giải quyết bằng sự học hỏi từ nội dung của văn bản đã đọc hiểu.
+ Trình bày những giải pháp để giải quyết một vấn đề cụ thể (là một nhiệm vụ trong học tập, trong đời sống) từ việc vận dụng những hiểu biết về văn bản đã đọc hiểu.
Như vậy, việc dạy học đọc hiểu không chỉ rèn luyện cho HS năng lực đọc hiểu văn bản mà còn rèn luyện năng lực tạo lập văn bản, đặc biệt là năng lực viết sáng tạo. Viết sáng tạo là khả năng trình bày, thể hiện những cảm nhận, suy nghĩ của cá nhân về đối tượng, vấn đề được đặt ra. Viết sáng tạo thể hiện ở cách quan sát và phát hiện những đặc điểm của đối tượng từ góc độ cá nhân, ở những suy nghĩ, cảm nhận riêng về đối tượng, ở cách diễn đạt, thể hiện mang sắc thái cá nhân, ở việc thể hiện những liên hệ, trải nghiệm riêng từ văn bản đến cuộc sống, ở việc trình bày ra những ý tưởng, giải pháp để giải quyết một tình huống thực tiễn… Viết sáng tạo được thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau, với các mức độ khác nhau, do vậy cần tạo ra được những cơ hội để HS thể hiện ngay trong quá trình dạy học đọc hiểu để HS đồng thời phát triển các năng lực trong học tập.
4. Đánh giá kĩ năng đọc trong môn Ngữ văn
Hoạt động đánh giá chủ yếu của môn Ngữ văn hiện nay là đánh giá kĩ năng đọc và viết của HS. Việc đánh giá kĩ năng nghe và nói của môn học này chưa được đề cập đến nhiều trong các nội dung học tập. Do vậy tài liệu chủ yếu trình bày những nội dung về đánh giá kĩ năng đọc và viết của HS trong môn học này.
a) Đánh giá kĩ năng đọc hiểu của HS: ở trường THPT, kĩ năng đọc hiểu (ĐH) rất được coi trọng. Phần lớn bài học trong CT và SGK hiện nay là bài học về VB văn  học. Tuy nhiên, càng lên khối lớp cao hơn, nhất là ở các khối lớp của cấp THPT, việc ĐH và cảm thụ lại càng bất cập. Do áp lực thi cử, hiện nay, tình trạng GV “đọc hộ”, “hiểu hộ”, “cảm thụ hộ” HS diễn ra khá phổ biến. Trong các giờ DH văn học, HS thường nghe và ghi chép lại những bài giảng của GV hơn là tự mình cảm thụ, tìm hiểu, khám phá VB. Hơn nữa, VB được ĐH chủ yếu là văn bản văn học, có rất ít văn bản nhật dụng được đưa vào CT, SGK. Việc đánh giá kĩ năng đọc của HS hiện nay thường diễn ra dưới hai hình thức: kiểm tra miệng (yêu cầu HS nhắc lại một nội dung nào đó của bài học đã ghi chép trong vở) và kiểm tra viết (viết về một vấn đề nào đó của VB đã học). Hình thức này chưa đánh giá được NL đọc hiểu các loại VB khác nhau của người học.
Vì vậy, cần đổi mới đánh giá kĩ năng ĐH của HS bằng việc đưa ra những VB mới (bao gồm cả VBVH và VBND, có cùng đề tài, chủ đề hoặc thể loại với VB đã học trong CT, SGK), yêu cầu HS vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã có vào việc đọc hiểu và cảm thụ VB mới này. Các câu hỏi đánh giá kĩ năng ĐH và cảm thụ nên được thiết kế theo cách làm của PISA, bao gồm: câu hỏi mở yêu cầu trả lời ngắn; câu hỏi mở yêu cầu trả lời dài; câu hỏi đóng yêu cầu trả lời dựa trên những trả lời có sẵn; câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn; câu hỏi có – không, đúng –sai phức hợp.
Đánh giá kĩ năng ĐH của HS phải được tiến hành thường xuyên trong các bài kiểm tra từ 1-2 tiết, bài kiểm tra học kì, kiểm tra cuối năm, thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Cần coi các biểu hiện của kĩ năng đọc đã trình bày ở trên là chuẩn để đánh giá khả năng đọc hiểu của HS. Ngoài ra, có thể vận dụng 6 mức độ mà Chương trình đánh giá HS quốc tế (PISA) đã nêu để đánh giá kĩ năng ĐH của HS như sau:
- Mức độ 6: yêu cầu người đọc tạo ra được nhiều suy luận, so sánh và phản bác một cách chi tiết và cụ thể. Yêu cầu người đọc phải thể hiện/trình bày một cách đầy đủ và tỉ mỉ hiểu biết của mình về một hoặc nhiều VB và có thể tích hợp thông tin từ nhiều VB. Nhiệm vụ này cũng có thể yêu cầu người đọc bộc lộ suy nghĩ của mình về những chủ đề mới hoặc khác nhau bằng việc nêu ra những ý tưởng/thông tin nổi bật, mang tính khái quát của VB. Phản ánh và đánh giá có thể yêu cầu người đọc đưa ra giả thuyết hoặc phê bình về một VB có tính tổng hợp/đa dạng về chủ đề và hình thức thể hiện, đồng thời vận dụng sự hiểu biết sâu sắc về VB. Một điều kiện quan trọng đối với phản ánh và đánh giá ở cấp độ này là độ chính xác của phân tích và sự quan tâm đến từng chi tiết nhỏ trong VB.
- Mức độ 5: liên quan đến việc lấy thông tin, yêu cầu người đọc xác định vị trí và tổ chức một số mảng thông tin liên quan đến các ý nằm sâu trong VB. Các nhiệm vụ phản ánh đề cập đến việc người đọc đưa ra đánh giá hoặc giả thuyết dựa trên kiến thức chuyên sâu/chuyên ngành. Cả hai nhiệm vụ diễn giảiphản ánh đều đòi hỏi một sự hiểu biết đầy đủ và chi tiết về một VB có nội dung hoặc hình thức mới (không được in trong SGK – chúng tôi nhấn mạnh). Đối với tất cả các khía cạnh của đọc, nhiệm vụ ở cấp độ này thường liên quan đến việc xử lí với các vấn đề trái với suy nghĩ thông thường.
- Mức độ 4: bao gồm việc lấy thông tin, yêu cầu người đọc xác định vị trí và tổ chức một số thông tin lấy từ trong VB. Một số nhiệm vụ ở cấp độ này yêu cầu giải thích ý nghĩa sắc thái của ngôn ngữ trong một đoạn văn bằng cách đặt nó vào chỉnh thể của VB. Các nhiệm vụ diễn giải khác đòi hỏi sự hiểu biết và áp dụng vào một ngữ cảnh mới. Các nhiệm vụ phản ánh ở cấp độ này yêu cầu độc giả sử dụng các kiến thức cơ bản và phổ thông để đưa ra giả thuyết hoặc phê bình đánh giá một VB. Người đọc phải thể hiện một sự hiểu biết chính xác về một VB dài hoặc phức tạp với nội dung hoặc hình thức có thể không quen thuộc.
- Mức độ 3: đòi hỏi người đọc xác định vị trí, và trong một số trường hợp nhận ra các mối quan hệ giữa một số thông tin. Các nhiệm vụ giải thích ở cấp độ này đòi hỏi người đọc tích hợp một số phần của một VB để xác định nội dung chính, hiểu một mối quan hệ hoặc giải thích ý nghĩa của một từ hoặc cụm từ.  Người đọc cần phải đưa ra được những biểu hiện cụ thể trong khi so sánh, đối lập hoặc phân loại. Các thông tin đưa ra thường không phải là nổi bật hoặc có nhiều thông tin cạnh tranh/nhiễu, hoặc có những trở ngại khác từ VB, chẳng hạn như các ý tưởng (của người viết)  trái với kỳ vọng/suy nghĩ thông thường hoặc có những cách diễn đạt tiêu cực. Những nhiệm vụ phản ánh ở mức này có thể yêu cầu kết nối, so sánh và giải thích, hoặc có thể yêu cầu người đọc đánh giá một đặc điểm của VB. Một số nhiệm vụ phản ánh yêu cầu độc giả chứng minh một ý hay của VB liên quan đến tri thức hàng ngày. Các nhiệm vụ khác không yêu cầu hiểu chi tiết VB, nhưng yêu cầu người đọc rút ra kiến ​​thức ít phổ biến hơn.
- Mức độ 2: đòi hỏi người đọc xác định vị trí của một hoặc nhiều mẩu thông tin có thể cần phải được suy ra và có thể gặp trong một số hoàn cảnh nhất định. Những yêu cầu khác như nhận ra nội dung chính của một VB, hiểu các mối quan hệ, hoặc giải thích ý nghĩa của một phần của VB được giới hạn khi thông tin là không nổi bật và người đọc phải đưa ra được suy luận ở mức độ thấp. Các nhiệm vụ ở cấp độ này có thể liên quan đến việc so sánh hoặc tương phản dựa trên một đặc điểm nào đó của VB. Các nhiệm vụ phản ánh tiêu biểu ở cấp độ này yêu cầu độc giả so sánh hoặc tạo ra sự kết nối giữa các VB và kiến thức bên ngoài, bằng cách dựa trên kinh nghiệm và thái độ của cá nhân.
- Mức độ 1a: đòi hỏi người đọc xác định vị trí của một hoặc nhiều phần thông tin để nhận ra chủ đề chính hay mục đích của tác giả trong một VB về một đề tài quen thuộc, hoặc để tạo ra một kết nối đơn giản giữa các thông tin trong các VB và kiến thức thông thường hàng ngày. Thông thường các thông tin cần thiết trong VB là nổi bật và có rất ít tính cạnh tranh/nhiễu. Người đọc được định hướng một cách rõ ràng để xem xét các yếu tố liên quan trong nhiệm vụ và trong VB.
- Mức độ 1b: đòi hỏi người đọc xác định vị trí của một mẩu thông tin duy nhất được quy định rõ ràng ở một vị trí nổi bật trong một VB đơn giản về cú pháp, ngắn và quen thuộc về chủ đề và thể loại, chẳng hạn như một VB tự sự hay một bản danh sách đơn giản. Các VB thông thường cung cấp cho người đọc các dấu hiệu, chẳng hạn như sự lặp đi lặp lại các thông tin, hình ảnh hoặc biểu tượng quen thuộc với rất ít các thông tin cạnh tranh/nhiễu. Trong các nhiệm vụ giải thích, người đọc có thể cần phải thực hiện các kết nối đơn giản giữa các thông tin gần kề nhau.
Như vậy, theo cách diễn giải của PISA, mức độ 6, 5, 4 bao gồm việc hiểu VB được học, vận dụng vào đọc VB mới; các mức độ còn lại áp dụng với những VB được học hoặc quen thuộc với người đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét