Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

BGD HƯỚNG DẪN VỀ CÁCH ĐÁNH GIÁ KỸ NĂNG TẠO LẬP VĂN BẢN CỦA HỌC SINH

(Trích Tài liệu tập huấn Đổi mới PPDH và kiểm tra đánh giá của BGD  trong MÔN NGỮ VĂN, tập huấn tại TP-HCM vào tháng 6/2014 ở KS Đại Nam)
                               --------------------------
*Đánh giá kĩ năng viết của HS: 
HS ở cấp THPT có thể tạo lập được VB theo những phương thức khác nhau, đặc biệt là có thể viết được các bài văn nghị luận (về xã hội hoặc văn học), nêu được quan điểm, tư tưởng riêng của mình về các vấn đề của đời sống hoặc văn học một cách sâu sắc, có sức thuyết phục. Tuy nhiên, do cách ra đề và đáp án “đóng”, cùng với việc coi trọng kiến thức văn học, nên các đề kiểm tra viết hiện nay chưa tạo điều kiện cho HS phát biểu những suy nghĩ riêng, sáng tạo và vận dụng những kiến thức đã học vào việc giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống của mình.
             -  Cần đổi mới cách thức đánh giá kĩ năng viết của HS bằng cách ra đề theo hướng mở và tích hợp (trong môn và liên môn). Đề mở chấp nhận nhiều cách trả lời, thậm chí có những câu trả lời đối ngược nhau miễn là HS bộc lộ được nhận thức và lập luận lôgic trong quá trình đi đến câu trả lời. 
             - Trong quá trình làm bài, HS cần vận dụng các kiến thức, kĩ năng của các phân môn Tiếng Việt, Làm văn, Văn học cũng như kiến thức liên môn (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân,...) để giải quyết vấn đề mà đề bài nêu ra. 
             - Đáp án không áp đặt nội dung trả lời mà nên nêu được các phương án mà HS có thể trình bày, phân tích được sự hợp lí của các phương án đó; đồng thời, nêu được những yêu cầu về kĩ năng làm bài của HS, khuyến khích HS sử dụng nhiều kĩ năng, thao tác khác nhau trong giải quyết vấn đề; khuyến khích HS nêu những suy nghĩ, quan điểm riêng của mình, chấp nhận nhiều cách hiểu và giải quyết vấn đề khác nhau miễn là tư tưởng của người viết không đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức và pháp luật mà xã hội đã quy định;
            -Khuyến khích HS vận dụng được những điều đã học vào giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra một cách có sức thuyết phục, hợp lí, tự nhiên, phù hợp với trình độ của các em.
                      Cũng như KTĐG kĩ năng ĐH, đánh giá kĩ năng viết của HS phải được tiến hành thường xuyên trong các bài kiểm tra từ 1-2 tiết, bài kiểm tra học kì, kiểm tra cuối năm, thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
                  Cần coi các biểu hiện của kĩ năng viết đã trình bày ở trên là chuẩn để đánh giá khả năng viết của HS.
* KN viết của HS bao gồm các yêu cầu sau:
- Cần xây dựng cho mình thái độ sẵn sàng và những hiểu biết về kĩ thuật viết (văn phong) để viết một cách chính xác và trôi chảy, lưu loát.
- Nội dung thể hiện:
+ Đề xuất và lựa chọn các ý tưởng cho bài viết; trình bày cho phù hợp với các mục đích, đối tượng, ngữ cảnh và văn hóa khác nhau.
+ Lập dàn ý bằng cách xác định mục đích, đối tượng và ngữ cảnh (trong đó xác định cách thể hiện và giọng điệu), đặt ra mục tiêu cho các nhiệm vụ của bài viết hoặc các chủ đề.
+ Kích thích trí tưởng tượng, tạo ra hoặc thu thập những ý tưởng phù hợp với các nhiệm vụ của bài viết hoặc chủ đề; đưa ra những câu hỏi về các chủ đề; nghiên cứu các bài mẫu; suy nghĩ và và mô tả những cảm xúc, quan điểm hoặc ý tưởng của cá nhân…
+ Thu thập, đánh giá, lựa chọn và tổng hợp tài liệu phù hợp với mục đích của bài viết, nhu cầu/mong muốn của người đọc và bối cảnh giao tiếp.
+ Phát triển, tổ chức và thể hiện ý tưởng, quan điểm mạch lạc, chặt chẽ bằng văn bản để đáp ứng nhiều mục đích, đối tượng, ngữ cảnh và văn hóa khác nhau.
*Ở cấp độ văn bản:
+ Tổ chức các sự kiện, ý tưởng và/hoặc quan điểm một cách phù hợp với phương thức tạo lập văn bản, mục đích và đối tượng mà VB hướng tới.
+ Sắp xếp các các chi tiết và ví dụ để hỗ trợ/minh họa cho các nội dung chính của một VB cho phù hợp với mục đích, đối tượng, bối cảnh và văn hóa giao tiếp.
+ Tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các phần của VB bằng cách: lựa chọn mô hình tổ chức/bố cục phù hợp với mục đích, đối tượng, bối cảnh và văn hóa giao tiếp (theo trình tự thời gian, theo hình thức phân loại, theo thứ tự ưu tiên/tầm quan trọng, theo mối quan hệ nhân quả, theo mối quan hệ so sánh và đối lập…), sử dụng các tín hiệu ngôn ngữ (các phương tiện liên kết) để giúp người đọc theo dõi được sự phát triển của các ý tưởng hoặc mạch lập luận.
+ Sử dụng các chiến lược hỗ trợ (ví dụ: những câu chuyện, các ý kiến của chuyên gia…) để: hỗ trợ quan điểm/hành động mà người viết đề xuất trong VB để thuyết phục người đọc đồng tình với quan điểm/hành động ấy; giải quyết những mối quan tâm, mong đợi của độc giả về quan điểm hoặc hành động của người viết…
**Ở cấp độ đoạn văn:
+ Sử dụng một câu chủ đề để giới thiệu ý tưởng chính trong một đoạn văn.
+ Giải thích và/hoặc làm rõ ý tưởng chính của đoạn văn bằng cách cung cấp các dẫn chứng, lí lẽ có liên quan.
+ Sử dụng các phương tiện/phép liên kết phù hợp (ví dụ: phép lặp, phép thế, phép nối, phép liên tưởng…) để: chỉ ra mối quan hệ giữa các đoạn/câu khác nhau và giữa các ý chính trong một đoạn; thể hiện chức năng của một đoạn văn trong mối liên quan với các phần khác của VB.
+ Lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ cho hiệu quả, phù hợp với nội dung, mục đích của đoạn văn. Thuyết phục người đọc chấp nhận quan điểm/hành động của người viết thông qua các yếu tố như: độ dài của câu, cấu trúc câu, mẫu câu, từ vựng, biện pháp tu từ, vần điệu,…
+ Nhắc lại nội dung/ý tưởng chính trong phần kết đoạn.
-  Rà soát và chỉnh sửa để hoàn thiện bài viết .
Mục đích của rà soát, chỉnh sửa là tạo ra một VB hoàn chỉnh để đạt được mục đích của người viết, đáp ứng nhu cầu của người đọc, phù hợp với bối cảnh và văn hóa giao tiếp.
Rà soát và điều chỉnh lại bài viết để nâng cao tính phù hợp, tập trung, trong sáng và đạt được độ chính xác trong việc chuyển tải ý nghĩa. HS có thể tự mình rà soát, điều chỉnh hoặc cần đến sự giúp đỡ của giáo viên, bạn bè để: xác định cách diễn đạt hoặc ý tưởng/quan điểm không phù hợp với người đọc và bối cảnh giao tiếp; thay thế, thêm, xóa và/hoặc sắp xếp lại từ, cụm từ, câu, sự kiện, ý tưởng, chi tiết, quan điểm; thay đổi trình tự sắp xếp các sự kiện, ý tưởng, chi tiết trong hoặc giữa các đoạn…
        * Vận dụng/thực hành viết một loạt các VB cho các mục đích khác nhau.
- Tất cả HS trung học phổ thông đều phải sử dụng các kĩ năng viết nêu trên trong quá trình làm văn. Đây cũng là chuẩn viết cần đạt của HS trung học phổ thông.
- GV có thể sử dụng các ngữ liệu là những văn bản trong SGK hoặc các VB ngoài SGK nhưng có cùng thể loại, đề tài hoặc chủ đề với các VB mà HS đã được học; cũng có thể lấy các VB được viết theo những phong cách ngôn ngữ mà HS đã học (như phong cách ngôn ngữ báo chí, chính luận, khoa học, nghệ thuật…) để thiết kế các câu hỏi, bài tập, đề kiểm tra để rèn luyện và đánh giá kĩ năng đọc hiểu VB và kĩ năng viết của HS. 
- Để đánh giá kĩ năng viết của HS, cần tăng cường ra các câu hỏi/đề kiểm tra theo hướng mở, với những nội dung gắn với cuộc sống thực tiễn, với những trải nghiệm của HS, giúp HS vận dụng được những kiến thức sách vở và cuộc sống để trình bày những ý tưởng, cảm nhận, suy nghĩ sáng tạo về những vấn đề xã hội hoặc văn học.

- Cùng với bộ công cụ, cần xây dựng được hướng dẫn chấm đảm bảo tính khoa học và chính xác. 
+Hiện nay cách xây dựng hướng dẫn chấm có thể theo điểm số hoặc theo mã hóa câu trả lời (theo hướng PISA). 
+Đối với bộ công cụ là các câu hỏi mở, một trong những cách chấm điểm là xây dựng rubric, đó là một tập hợp các tiêu chí và minh chứng xác định các cách trả lời câu hỏi của HS cùng với những chỉ số thực hiện đối với mỗi kết quả được quy định ở một mức chuẩn cụ thể. Những chỉ số này được trình bày rõ ràng để tất cả mọi người có thể hiểu HS cần phải làm gì, kết quả ra sao và minh chứng được kết quả học tập ở mỗi một mức độ (tốt, khá, trung bình hay không đạt). Việc chấm điểm theo rubric cung cấp những thông tin cụ thể, xác thực giúp cho việc phân tích, xử lí kết quả đánh giá được chính xác, khách quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét