Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Ví dụ đề ĐGNL: Văn 12

Chủ đề: Truyện ngắn Việt Nam 1945-1975
Chuẩn kiến thức, kĩ năng
- Hiểu được được những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của các truyện ngắn và đoạn trích tiểu thuyết hiện đại.
- Hiểu một số đặc điểm của truyện Việt Nam từ sau CMT8/ 1945 đến hết thế kỉ XX.
- Biết cách đọc - hiểu một tác phẩm truyện hiện đại Việt Nam theo đặc trưng thể loại.
- Biết vận dụng những tri thức và kĩ năng đã học vào làm văn nghị luận.Từ đó, HS có thể hình thành các năng lực sau :+ Năng lực thu thập thông tin liên quan đến văn bản.+ Năng lực giải quyết những tình huống đặt ra trong các văn bản.+ Năng lực đọc – hiểu thơ hiện đại Việt Nam theo đặc điểm thể loại.+ Năng lực trình bày suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân về ý nghĩa của văn bản.+ Năng lực hợp tác khi trao đổi, thảo luận về nội dung và nghệ thuật của văn bản.


Bảng mô tả các mức độ đánh giá chủ đề “Truyện ngắn Việt Nam 1945-1975" theo định hướng năng lực

Nhận biết
Thông hiểu
Vận dụng
Vận dụng thấp
Vận dụng cao
- Nêu thông tin về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, thể loại,…

- Lí giải được mối quan hệ/ảnh hưởng của hoàn cảnh sáng tác với việc thể xây dựng cốt truyện và thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm.
- Vận dụng hiểu biết về tác giả, tác phẩm để phân tích, lý giải giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

- So sánh các phương diện nội dung, nghệ thuật giữa các tác phẩm cùng đề tài hoặc thể loại; phong cách tác giả.

- Nhận diện được ngôi kể, trình tự kể.
- Hiểu được ảnh hưởng của giọng kể đối với việc thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm.
- Khái quát đặc điểm phong cách của tác giả từ tác phẩm.
- Trình bày những kiến giải riêng, phát hiện sáng tạo về văn bản.

- Nắm được cốt truyện, nhận ra đề tài, cảm hứng chủ đạo.

- Lý giải sự phát triển của các sự kiện và mối quan hệ của các sự kiện.

- Chỉ ra các biểu hiện và khái quát các đặc điểm của thể loại từ tác phẩm.
- Biết tự đọc và khám phá các giá trị của một văn bản mới cùng thể loại.
- Nhận diện hệ thống nhân vật (xác định được nhân vật trung tâm, nhân vật chính, nhân vật phụ).
- Giải thích, phân tích đặc điểm về ngoại hình, tính cách, số phận nhân vật. Khái quát được về nhân vật.
- Trình bày cảm nhận về tác phẩm.
- Vận dụng tri thức đọc hiểu văn bản để kiến tạo những giá trị sống của cá nhân.
(Trình bày những giải pháp để giải quyết một vấn đề cụ thể (là một nhiệm vụ trong học tập, trong đời sống) từ sự học tập nội dung của VB đã đọc hiểu).
- Phát hiện và nêu được tình huống truyện.
- Phân tích được ý nghĩa của tình huống truyện.
- Thuyết trình về tác phẩm.
- Chuyển thể văn bản (vẽ tranh, đóng kịch…)
- Nghiên cứu KH, dự án.
- Chỉ ra được các chi tiết nghệ thuật đặc sắc của mỗi tác phẩm/đoạn trích và các đặc điểm nghệ thuật của thể loại truyện.
- Lí giải ý nghĩa và tác dụng của các từ ngữ, hình ảnh, câu văn, chi tiết nghệ thuật, biện pháp tu từ



Câu hỏi ĐT, ĐL:
- Trắc nghiệm KQ (về tác giả, tác phẩm, đặc điểm thể loại, chi tiết nghệ thuật,…)
- Câu tự luận trả lời ngắn (lí giải, phát hiện, nhận xét, đánh giá,…)
- Bài nghị luận (trình bày suy nghĩ, cảm nhận, kiến giải riêng của cá nhân,..)
- Phiếu quan sát làm việc nhóm (trao đổi, thảo luận về các giá trị của tác phẩm,..)
Bài tập thực hành:
- Hồ sơ (tập hợp các sản phẩm thực hành)
- Bài tập dự án (nghiên cứu so sánh tác phẩm, nhân vật theo chủ đề…)
- Bài trình bày miệng (thuyết trình, đọc diễn cảm, kể chuyện sáng tạo, trao đổi thảo luận…)


Câu hỏi, bài tập minh họa:
Văn bản: Vợ nhặt (Kim Lân)

Nhận biết
Thông hiểu
Vận dụng
Vận dụng thấp
Vận dụng cao
- Nêu hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.
- Xác định nhân vật trung tâm của truyện.
- Nêu tình huống của truyện.
- Liệt kê các chi tiết nghệ thuật có ý nghĩa trong truyện.


- Giải thích tác động của hoàn cảnh sáng tác đến việc xây dựng cốt truyện, kết thúc truyện và thể hiện cái nhìn về người nông dân trong tác phẩm.
- Phân tích tình huống truyện.
- Cảm nhận về một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong truyện.
- Lí giải tâm trạng của các nhân vật trong truyện khi Tràng đưa người vợ nhặt về nhà.
- Phân tích tâm trạng của các nhân vật: Tràng, bà cụ Tứ khi Tràng "nhặt" được vợ đưa về nhà.
- Lí giải ý nghĩa nhan đề của truyện.
- Ấn tượng sâu đậm nhất về nhân vật bà cụ Tứ/Tràng/người vợ nhặt.
- Phân tích tư tưởng nhân đạo mới mẻ của Kim Lân trong tác phẩm.

- Làm rõ sự khác biệt trong cách thể hiện hình tượng người nông dân trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân với một số sáng tác cùng đề tài trước và sau CMT8 năm 1945.
- Làm rõ giá trị của cuộc sống/những bài học đạo lí rút ra được từ tác phẩm (tình yêu thương, niềm tin, khát vọng sống…).


Văn bản: Những đứa con trong gia đình (trích) – Nguyễn Thi

Nhận biết
Thông hiểu
Vận dụng
Vận dụng thấp
Vận dụng cao
- Nêu hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.
- Kể tên các nhân vật trong đoạn trích.
- Nêu tình huống của đoạn trích.

- Giải thích ý nghĩa của hoàn cảnh sáng tác đối với việc thể hiện nội dung tư tưởng của truyện.
- Giải thích tác dụng của việc tác giả đặt điểm nhìn vào nhân vật Việt để kể chuyện.
- Phân tích/Cảm nhận về một chi tiết mà  anh/chị thích nhất trong tác phẩm.
- Cảm nhận về các đoạn văn tiêu biểu, chẳng hạn như:
+ "Việt tỉnh dậy lần thứ tư... Việt nằm thở dốc...”.
+ "Một loạt đạn súng lớn văng vẳng dội đến... trong đêm đang bắt đầu xung phong”.
+ "Nhà day ra cửa sông... làm sao chớ?”"Cúng mẹ và cơm nước xong... sang bưng khác”.
- Cảm nhận/Phân tích nhân vật Việt trong đoạn trích.
- Lí giải ý nghĩa nhan đề của truyện.
- Làm rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của tác phẩm được thể hiện qua nhân vật Việt.
-  Vì sao nói Việt là nhân vật điển hình trong thế giới nghệ thuật của Nguyễn Thi?
- Ngòi bút phân tích tâm lí sắc sảo của Nguyễn Thi được thể hiện như thế nào qua đoạn trích?
- Làm sáng tỏ biểu hiện của ngôn ngữ trong tác phẩm của Nguyễn Thi: phong phú, góc cạnh, giàu giá trị tạo hình và đậm chất Nam Bộ.


- Cảm hứng yêu nước của Nguyễn Thi qua truyện ngắn.
- Tình yêu nước của con người trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi có gì khác so với các tác phẩm của các tác giả khác?
- Từ một nhân vật mà anh/chị yêu thích trong đoạn trích, suy nghĩ về tình yêu nước của thanh niên trong thời đại hiện nay.



Ví dụ ra đề tích hợp kiến thức liên môn lớp 12

Trích tài liệu HD ĐG theo ĐHNL học sinh BGD 6.2014
-------------------------------------------
(1) Trong thời gian học ở trường phổ thông, anh/chị đã được học về nhiều nhân vật và sự kiện lịch sử của dân tộc cũng như các nước trên thế giới. Nhiều nhân vật và sự kiện ấy vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống hôm nay. Viết bài văn nêu suy nghĩ của anh/chị về một nhân vật hoặc một sự kiện lịch sử nào đó mà anh/chị đã học và cho đó là quan trọng, chỉ ra sự ảnh hưởng của nhân vật hoặc sự kiện lịch sử đó đối với chúng ta.
(2) Bàn về vai trò của một số bộ môn nghệ thuật như kịch, âm nhạc, hội họa, vũ đạo... trong nhà trường phổ thông, nhiều người cho rằng các môn học này không cần thiết đối với học sinh; song nhiều người khác lại cho rằng chúng không chỉ cần thiết mà còn là sự sống còn của một nền giáo dục toàn diện và hiện đại. Viết bài văn nêu suy nghĩ của anh/chị về vấn đề này.
(3) Trong suốt những năm đi học ở trường phổ thông, anh/chị đã được học/biết về nhiều người khác nhau ở trong nước và trên thế giới. Viết về một người trong số đó và cho biết điều gì làm cho con người ấy trở nên đặc biệt để học hỏi?
(4) Các cơ quan quản lí du lịch ở nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới hàng năm đều dành rất nhiều tiền để ủng hộ, đầu tư cho những địa danh nổi tiếng của đất nước. Bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông như áp phích, tạp chí quảng cáo, truyền hình, đài phát thanh, các cơ quan này có thể gửi thông điệp về những cảnh đẹp, và hy vọng sẽ đón được nhiều khách du lịch tới đó. Giả sử bạn là hướng dẫn viên du lịch, hãy viết một bài văn giới thiệu về một nơi trên đất nước ta mà khách du lịch có thể tìm thấy nhiều điều thú vị khi đến đó.

            ---------------------------------------
Để giải quyết các đề bài trên, HS cần vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học ở các môn Ngữ học, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân... để làm bài. Đồng thời, GV cũng cần phải xây dựng những hướng dẫn chấm mở để ghi nhận, khuyến khích những bài viết thể hiện suy nghĩ riêng, sáng tạo của HS.

Ví dụ ra đề ĐGNL: HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT

HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT
(Trích)
“…Hồn Trương Ba (một mình): Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta ạ, mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át ta…(sau một lát). Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình? “Chẳng còn cách nào khác”! Mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!
 (Đứng dậy, lập cập nhưng quả quyết, đến bên cột nhà, lấy một nén hương châm lửa, thắp lên. Đế Thích xuất hiện.
 Đế Thích: Ông Trương Ba ! (thấy vẻ nhợt nhạt của Hồn Trương Ba) Ông có ốm đau gì không? Một tuần nay tôi bị canh giữ chặt quá, không xuống đánh cờ với ông được, nhưng ông đốt hương gọi, tôi đoán là ông có chuyện khẩn, tôi liều mạng xuống ngay. Có việc gì thế?
Hồn Trương Ba: (sau một lát) Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!
Đế Thích: Sao thế? Có gì không ổn đâu!
Hồn Trương Ba: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.
 Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng. Dưới đất, trên trời đều thế cả, nữa là ông. Ông đã bị gạch tên khỏi sổ Nam Tào. Thân thể thật của ông đã tan rữa trong bùn đất, còn chút hình thù gì đâu ông!
Hồn Trương Ba: Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!
Đế Thích: (không hiểu) Nhưng mà ông muốn gì?
Hồn Trương Ba: Ông từng nói : Nếu thân thể người chết còn nguyên vẹn, ông có thể làm cho hồn người đó trở về. Thì đây, (chỉ vào người mình) thân thể anh hàng thịt còn lành lặn nguyên xi đây, tôi trả lại cho anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống lại với thân xác này.
Đế Thích: Sao lại có thể đổi tâm hồn đáng quý của bác lấy chỗ cho cái phần hồn tầm thường của anh hàng thịt?
Hồn Trương Ba: Tầm thường, nhưng đúng là của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra là để sống với nhau. Vả lại, còn …còn chị vợ anh ta nữa…chị ta thật đáng thương!
Đế Thích: Nhưng thế hồn ông muốn trú vào đâu?
Hồn Trương Ba: Ở đâu cũng được, chứ không ở đây nữa. Nếu ông không giúp, tôi sẽ..tôi sẽ…nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ, lúc đó thì hồn tôi chẳng còn, xác anh hàng thịt cũng mất….”
(Lưu Quang Vũ, SGK Ngữ văn 12, tập 2, Nxb GD 2008)
Câu hỏi  1: Câu nói: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”  của hồn Trương Ba có ý nghĩa gì?
A.    Con người phải có khát vọng sống và lý tưởng sống
B.     Con người phải có cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần
C.     Con người phải là một thể thống nhất hài hòa giữa hồn và xác
D.     Con người phải có sự thống nhất giữa hành động và suy nghĩ
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 1
Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng khái quát thông tin của câu nói trong văn bản.
Mức đầy đủ
Mã 1: Phương án C
Mức không tính điểm
      Mã 0: Các phương án khác
      Mã 9: Không trả lời
Câu hỏi 2: Qua cuộc đối thoại của hồn Trương Ba với Đế Thích, tác giả Lưu Quang Vũ đã gửi gắm những quan niệm của mình về điều gì?
A.    Cái chết
B.     Hạnh phúc
C.     Lẽ sống
D.    Cả A, B, C
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 2
Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng đọc hiểu văn bản.
Mức đầy đủ
     Mã 2: Phương án D
Mức không đầy đủ
     Mã 1: Nêu được 1 trong các phương án A, B, C.
Mức không tính điểm
       Mã 0: Có câu trả lời khác
      Mã 9: Không trả lời
Câu hỏi 3: Câu nói: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết …” của hồn Trương Ba nói với Đế Thích đã khiến người đọc có liên tưởng đến những cách sống nào của con người trong xã hội?
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 3
Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng liên tưởng, vận dụng những kiến thức đã học từ văn bản vào đời sống.
Mức đầy đủ
      Mã 2: HS nêu được đầy đủ cách sống của con người trong xã hội: sống dựa dẫm vào người khác; sống không đúng, không thật với chính mình; sống mất cân bằng giữa vật chất và tinh thần; sống có ý nghĩa....
Mức không đầy đủ
      Mã 1: Nêu được 1 trong các ý trên hoặc nêu được các ý nhưng chưa đầy đủ.
Mức không tính điểm
     Mã 0: Có câu trả lời khác
     Mã 9: Không trả lời
Câu hỏi 4: Câu nói trên của hồn Trương Ba với Đế Thích đã thể hiện ý thức sâu sắc của ông về vấn đề sống và cách sống sao cho không vô nghĩa . Em có suy nghĩ gì về vấn đề này trong thời đại ngày nay?
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 4
Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng thể hiện cảm nhận của HS về ý nghĩa triết lí sâu xa của câu nói trong văn bản.
Mức đầy đủ
     Mã 3: HS trình bày được những ý sau:
-         Tạo lập được đoạn văn, đảm bảo logic về ý.
-         Thể hiện được cảm nhận của cá nhân về ý nghĩa của câu nói: sống cần phải chân thật, sống là chính mình, không sống thừa, sống dựa dẫm ...thì cuộc sống mới có ý nghĩa, mới có giá trị....
-         Diễn đạt sáng rõ, đúng chính tả.
Mức không đầy đủ
      Mã 2: Viết được đoạn văn, trình bày được một số ý, nhưng chưa thật đầy đủ, sâu sắc.
      Mã 1: Chỉ viết được 1 vài câu, ý sơ sài.
Mức không tính điểm
    Mã 0: Viết sai lạc nội dung.

    Mã 9: Không trả lời
----------
Trích tài liệu HD của BGD 6.2014

Ví dụ ra đề theo định hướng phát triển NL môn Ngữ Văn

MỘT NGƯỜI HÀ NỘI (Trích)
“…Với người già, bất kể ai, cái thời đã qua luôn luôn là thời vàng son. Mỗi thế hệ đều có thời vàng son của họ. Hà Nội thì không thế. Thời nào nó cũng đẹp, một vẻ đẹp riêng cho mỗi lứa tuổi. Cô nói với tôi thế, đã biết nói thế đâu phải đã già. Mấy ngày sau, cô kể tiếp, thành phố cho máy cẩu tới đặt bên kia bờ quàng dây tời vào thân cây si rồi kéo dần lên, mỗi ngày một tí. Sau một tháng, cây lại sống, lại trổ ra lá non, vẫn là cây si của nhiều thế hệ Hà Nội, nghĩ cứ lạ, tưởng là chết đứt bổ ra làm củi, mà lại sống. Cô nói thêm: “Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được”. Cô muốn mở rộng sự tính toán vốn dĩ đã rất khôn ngoan của mình lên thêm một tầng nữa chăng, cái tầng vô hình, không thể biết, nhưng phải biết trên đời này còn có nhiều lí sự không thể biết để khỏi bị bó vào những cái có thể biết. Bà già vẫn giỏi quá, bà hiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi chìm sâu vào lớp đất cổ. Những bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng…”
(Nguyễn Khải, SGK Ngữ văn 12, tập 2, Nxb GD 2008)
 Câu hỏi 1: Nhân vật “Tôi” trong đoạn trích là ai?
A.    Tác giả Nguyễn Khải
B.     Đám đông những người Hà Nội
C.     Cô Hiền
D.    Nhân vật người kể chuyện xưng “tôi”
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 1
Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng khái quát thông tin chính của văn bản.
Mức đầy đủ
 Mã 2: Phương án D
Mức không tính điểm
Mã 0: Các phương án khác
Mã 9: Không trả lời
Câu hỏi 2: Dòng nào dưới đây nêu được sự thành công của tác giả trong việc xây dựng nhân vật bà Hiền?
A.    Thể hiện được những tình cảm cao đẹp của người Hà Nội
B.     Thể hiện được những truyền thống tốt đẹp trong cách đối nhân xử thế của người Hà Nội.
C.     Thể hiện được rõ và sinh động cá tính của người Hà Nội.
D.    Thể hiện được cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa của người Hà Nội.
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 2
Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng khái quát thông tin của văn bản.
Mức đầy đủ
Mã 2: Phương án D
Mức không tính điểm
Mã 0: Các phương án khác
Mã 9: Không trả lời
Câu hỏi 3: Câu nói của nhân vật Hiền: “Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được…” có ý nghĩa gì?
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 3
Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng đọc hiểu ý nghĩa của văn bản.
Mức đầy đủ
Mã 2: HS nêu được ý nghĩa khái quát của câu nói: đó là những suy nghĩ về lẽ đời, về quy luật của sự sống....
Mức không đầy đủ
Mã 1: Có thể nêu được ý: quy luật của sự sống hoặc nêu các ý sơ sài....
Mức không tính điểm
Mã 0: Có câu trả lời khác
Mã 9: Không trả lời
Câu hỏi 4:  Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về lời bình luận của người kể chuyện: “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi chìm sâu vào lớp đất cổ. Những bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng…”
HƯỚNG DẪN CHẤM CÂU 4
Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng thể hiện cách hiểu và cảm nhận của HS về lời bình luận của người kể chuyện: đó là một biểu tượng “đắt” thể hiện được niềm trân trọng, lòng yêu quý thiết tha của tác giả đối với một “người Hà Nội” cũng như mọi người Hà Nội; gợi sự suy ngẫm về sức sống của truyền thống “người Hà Nội” trong cộng đồng người Việt Nam…
Mức đầy đủ
     Mã 3: Bài làm của HS đạt được những yêu cầu sau:
-         Tạo lập được đoạn văn, đảm bảo logic về ý.
-         Diễn đạt sáng rõ, đúng chính tả
-         Thể hiện được cảm nhận sâu sắc của cá nhân về lời bình luận của người kể chuyện: đó là một biểu tượng “đắt” thể hiện được niềm trân trọng, lòng yêu quý thiết tha của tác giả đối với một “người Hà Nội” cũng như mọi người Hà Nội; gợi sự suy ngẫm về sức sống của truyền thống “người Hà Nội” trong cộng đồng người Việt Nam…
Mức không đầy đủ
      Mã 2: Viết được đoạn văn, trình bày được một số ý, nhưng chưa thật đầy đủ, sâu sắc.
      Mã 1: Chỉ viết được 1 vài câu, ý sơ sài
Mức không tính điểm
      Mã 0: Viết sai lạc nội dung.
      Mã 9: Không trả lời


Đổi mới đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn theo yêu cầu phát triển năng lực từ 2014


Nghị quyết số 29 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 8 (khóa XI) đã xác định Giáo dục và đào tạo Việt Nam cần đổi mới một cách căn bản, toàn diện. Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch số 103/KH-BGDĐT về việc tổ chức hội thảo “Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn trong trường phổ thông”, với mục đích: nghiên cứu cơ sở lý luận và xây dựng kế hoạch triển khai việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực người học với cách thức xây dựng đề thi/kiểm tra và đáp án theo hướng mở; tích hợp kiến thức liên môn; giải quyết vấn đề thực tiễn.

Chủ trương chuyển đổi cách tiếp cận chương trình giáo dục từ hướng cung cấp nội dung sang cách tiếp cận hình thành và phát triển năng lực là một trong những đổi mới căn bản. 

Đổi mới căn bản ấy cần phải tiến hành một cách toàn diện ở tất cả các yếu tố của quá trình giáo dục: từ mục tiêu, nội dung, phương pháp đến kiểm tra, đánh giá… 

Để có cơ sở đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, không thể không xác định một số nội dung quan trọng: Năng lực và năng lực Ngữ văn là gì? Đánh gía năng lực Ngữ văn như thế nào? 

Từ đó đề xuất hướng ra đề theo yêu cầu đánh giá năng lực với các ví dụ cụ thể. Bài viết này tập trung bàn về các vấn đề đó.

I. Năng lực và đánh giá năng lực Ngữ văn

1. Năng lực

Năng lực là một khái niệm then chốt chi phối việc đổi mới căn bản chương trình giáo dục mới. Có rất nhiều loại năng lực. Nội hàm khái niệm năng lực cũng tùy vào cách tiếp cận và lĩnh vực áp dụng mà hiểu khác nhau. 

Trong lĩnh vực Chương trình giáo dục mấy năm gần đây, loại năng lực được nhiều nước quan tâm là những năng lực chung/ năng lực cốt lõi. Đây là loại năng lực mà bất kỳ một học sinh nào cũng cần được hình thành và phát triển để có thể đối mặt với những thay đổi và thách thức khi bước vào cuộc sống thực. 

Bên cạnh đó là các năng lực chuyên biệt do các lĩnh vực/ môn học cụ thể mang lại. Tuy cách phát biểu về năng lực có thể khác nhau nhưng đều thống nhất trong cách hiểu về bản chất của khái niệm này. Có thể nêu lên mấy điểm thống nhất sau:

a) Năng lực là sự vận dụng tổng hợp nhiều yếu tố: kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, ý chí, kinh nghiệm và nhiều nguồn lực tinh thần khác để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề đặt ra trong cuộc sống (học tập và lao động).

b) Đánh giá năng lực là đánh giá khả năng thực hiện, vận dụng; thông qua làm, qua hành động để đo đếm, xác định chứ không chỉ yêu cầu biết và hiểu. Tất nhiên thực hiện/vận dụng ở đây phải gắn với ý thức và thái độ; phải có kiến thức và kĩ năng, chứ không phải thực hiện một cách “máy móc”,“mù quáng”.

Đó là cách tiếp cận mới nhưng không phải xa lạ “từ trên trời rơi xuống” mà nó vốn đã có trong chương trình cũ nhưng chưa được hiểu đúng. Bởi các thành tố cơ bản cấu thành năng lực vẫn là kiến thức và kĩ năng; vì thế muốn hình thành năng lực vẫn phải thông qua kiến thức và kĩ năng. 

Tuy nhiên nếu chỉ mình kiến thức và kĩ năng, nhất là khi chúng tách rời nhau, thì chưa thể có năng lực thực sự.

2. Năng lực ngữ văn và đánh giá năng lực ngữ văn

Có nhiều cách hiểu về năng lực Ngữ văn. Căn cứ vào mục tiêu, tính chất và nội

dung chương trình môn học này từ trước đế nay; từ cách hiểu chung về năng lực, có thể nói năng lực Ngữ văn là trình độ vận dụng các kiến thức, kĩ năng cơ bản về văn học và tiếng Việt để thực hành giao tiếp trong cuộc sống. Năng lực Ngữ văn gồm 2 năng lực bộ phận là: Năng lực tiếp nhận văn bản và Năng lực tạo lập văn bản.

2.1) Năng lực tiếp nhận văn bản là khả năng lĩnh hội, nắm bắt được các thông tin chủ yếu; từ đó hiểu đúng, hiểu thấu đáo, thấy cái hay, cái đẹp của văn bản, nhất là văn bản văn học. Muốn có năng lực tiếp nhận phải biết cách tiếp nhận. 

Tức là dựa vào những yếu tố, cơ sở nào (từ, ngữ, câu, đoạn, hình ảnh, biểu tượng, số liệu, sự kiện, tiêu đề, dấu câu…) để có thể có được các thông tin và cách hiểu ấy.

Đánh giá năng lực tiếp nhận thường dựa vào kết quả của 2 kĩ năng chính là nghe và đọc. Nghe và phản hồi các thông tin nghe được một cách nhanh chóng, chính xác, không rơi vào tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”. 

Việc các nước phát triển trong nhiều kỳ thi phải tổ chức thi nói chính là để kiếm tra năng lực nghe/nói, năng lực trình bày miệng. Do tính chất và yêu cầu tổ chức phức tạp hơn nên hình thức thi nói ít được vận dụng. Việc đánh giá năng lực tiếp nhận chủ yếu dồn vào kĩ năng đọc hiểu văn bản.

Văn bản ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng. Đó không chỉ là các tác phẩm thơ văn nghệ thuật mà còn là các loại văn bản không phải là văn chương, như văn bản viết về lịch sử, địa lý, toán học, sinh học…khoa học thường thức hoặc một thông báo nơi công cộng, một bản thuyết minh công dụng và cấu tạo của máy móc, một đơn xin việc…

Nhiều nước gọi đó là văn bản thông tin – một loại văn bản rất gần gũi với mọi người và thường xuyên gặp trong cuộc sống. Về phương diện cấu trúc, bố cục cũng không chỉ kiểm tra mình loại văn bản viết liền mạch trên trang giấy mà còn rất nhiều loại văn bản kết hợp giữa kênh chữ và kênh hình (biểu đồ, đồ thị, minh họa, công thức, tranh ảnh, hình khối, bản đồ…), người ta gọi là văn bản không liền mạch (Non-Continuous Texts). Tất cả đều là những văn bản cần đọc hiểu và phải dạy cho học sinh cách đọc hiểu mỗi loại văn bản.

Tóm lại, bên cạnh việc yêu cầu học sinh đọc hiểu một đoạn văn, bài thơ; nhà trường cần dạy và yêu cầu các em biết đọc hiểu các loại văn bản thông tin, trong đó có rất nhiều văn bản kết hợp kênh chữ và kênh hình, học sinh phải biết đọc hình kết hợp với đọc chữ để nắm được thông tin và hiểu đúng ý nghĩa của văn bản.

2.2) Năng lực tạo lập văn bản là khả năng biết viết, biết tổ chức, xây dựng một văn bản hoàn chỉnh đúng quy cách và có ý nghĩa. Muốn có năng lực tạo lập phải biết cách tạo lập. Tức là nắm được cách viết một loại văn bản nào đó. 

Đánh giá năng lực tạo lập thường dựa vào kết quả của 2 kĩ năng chính là nói và viết. Kĩ năng nói gắn liền với nghe như đã nêu ở trên. Ngoài việc phản hồi nhanh và chính xác lại các thông tin nghe được; nói phải rõ ràng, rành mạch, lưu loát; từ nói đúng, nói hay đến nói hùng biện… 

Cũng như kĩ năng đọc ở năng lực tiếp nhận; việc kiểm tra đánh giá năng lực tạo lập chủ yếu dồn vào cho kĩ năng viết văn bản.

Văn bản yêu cầu học sinh tạo lập vẫn là các loại văn bản đã nêu ở phần trên, nhưng có khác ở mức độ, nhất là đối với văn bản văn chương nghệ thuật. 

Cụ thể là nhà trường chú trọng dạy cho HS cách tiếp nhận văn bản thơ văn nghệ thuật nhưng khó yêu cầu các em tạo lập ra được loại văn bản này. Bởi đây là loại văn bản phụ thuộc vào năng khiếu thiên phú, thiên bẩm không phải muốn là có, cố mà thành. 

Ngoại trừ một số rất ít học sinh có năng khiếu văn chương thực sự, còn lại đại đa số chỉ nên yêu cầu các em làm quen và nắm được đặc điểm của các thể loại tác phẩm văn chương để làm cơ sở cho việc tiếp nhận văn học tốt hơn, hiệu quả hơn. 

Nếu có yêu cầu tạo lập cũng chỉ ở một mức độ vừa phải như biết kể lại, tả lại một sự việc, con người, quang cảnh; biết phát biểu những suy nghĩ, cảm tưởng của bản thân một cách trung thực, xúc động… 

Việc đề thi không yêu cầu bắt buộc phải viết một truyện ngắn hay bài thơ, với việc có một vài học sinh nào đó làm bài dưới dạng truyện ngắn, bài thơ,… là hai chuyện khác nhau, không mẫu thuẫn gì nhau. 

Cũng như không phải có một số ít học sinh trở thành nhà văn, nhà thơ mà yêu cầu nhà trường phải dạy tất cả mọi học sinh phải biết viết truyện ngắn, tiểu thuyết, làm thơ hay viết tùy bút... 

Trong khi đó một số văn bản thông thường, gần gũi và thường xuyên phải sử dụng trong cuộc sống thì lại bị coi nhẹ. Hàng loạt học sinh ra đời vẫn không biết viết một bản tường trình, một đơn xin việc, một biên bản cuộc họp cho đúng nội dung và quy cách.

2.3) Để đánh giá năng lực ngữ văn (cả tiếp nhận và tạo lập) cần phải cụ thể hóa các kĩ năng (nghe, nói, đọc, viết) thành nhiều mức độ khác nhau. Theo từng cấp học, phù hợp với tâm lý-lứa tuổi mà yêu cầu từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp…Cũng từ đó mà lựa chọn một phương thức đánh giá cho phù hợp. 

Chẳng hạn với các kĩ năng nghe và nói, giáo viên chủ yếu thực hiện đánh giá hàng ngày, thông qua các buổi học trên lớp, các hoạt động tập thể, sinh hoạt lớp, đoàn, đội…Các kĩ năng còn lại (đọc, viết) ngoài việc kiểm tra hàng ngày (đánh giá quá trình) thường được chú trọng ở các kỳ kiểm tra, thi cuối cấp, cuối lớp (đánh giá kết thúc).

Đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực khác đánh giá theo hướng cung cấp nội dung. Theo hướng nội dung, mục tiêu đánh giá tập trung vào xem người học biết những gì (nhiều ít); nội dung đánh giá chủ yếu là yêu cầu nhắc lại những nội dung đã học, những gì thầy, cô đã dạy, những bài có trong chương trình và sách giáo khoa; 

Cùng đó, yêu cầu chủ yếu là chứng minh những gì đã có sẵn, ca ngợi và phê phán một chiều, kiểm tra trí nhớ là chính; đề thi và đáp án khép kín, bắt buộc phải tuân thủ theo ý của người ra đề; còn diễn đạt, hành văn phụ thuộc hoàn toàn vào cảm tính, vào cái “gu”của người chấm… Kết quả là học sinh tập trung học thuộc lòng, chép văn mẫu.

Mục tiêu của đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực cần xác định được khả năng vận dụng tổng hợp những gì đã học của học sinh vào việc giải quyết một bài toán mới, đáp ứng các yêu cầu mới trong một tình huống tương tự. 

Nội dung đánh giá không phải chỉ là những gì đã học mà còn là yêu cầu tổng hợp, liên hệ nhiều nội dung đã học; không chỉ giữa các phân môn trong môn học mà còn cả những hiểu biết từ các môn học khác. 

Tăng cường yêu cầu HS tìm mối liên hệ giữa các kiến thức, kĩ năng của bài học với các hiện tượng, sự vật, sự việc, con người…thường xuất hiện trong đời sống sinh hoạt cũng như công việc hàng ngày. 

Phương thức đánh giá không chú trọng yêu cầu học thuộc, nhớ máy móc, nói đúng và đầy đủ những điều thầy, cô đã dạy… mà coi trọng ý kiến và cách giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân người học; động viên những suy nghĩ sáng tạo, mới mẻ, giàu ý nghĩa; tôn trọng sự phản biện trái chiều, khuyến khích những lập luận giàu sức thuyết phục… 

Muốn thế đề thi và đáp án cần theo hướng mở; với những yêu cầu và mức độ phù hợp; tránh cả hai khuynh hướng cực đoan: “đóng” một cách cứng nhắc, máy móc, làm thui chột sự sáng tạo và “mở” một cách tùy tiện “ không biên giới”, phi thẩm mỹ, phản giáo dục…

Theo tinh thần vừa nêu, hàng loạt câu hỏi tưởng đơn giản mà rất khó cần phải thống nhất. Chẳng hạn: Thế nào là đề mở? Các hình thức mở là gì ? Mức độ mở đến đâu? Đáp án mở như thế nào ? Lấy gì làm tiêu chí chung để so sánh các bài làm của học sinh? Thế nào là ý mới, ý sáng tạo?... 

Khó có thể nêu lên những tiêu chí và yêu cầu cụ thể nhằm trả lời cho các câu hỏi đó, nhất là trong một bài báo. Chỉ có thể trao đổi, xem xét trên cơ sở các đề thi và đáp án cụ thể. Do đó đòi hỏi các tổ ra đề, các hội đồng chấm thi cần bàn luận kỹ lưỡng trước khi quyết định sự lựa chọn đề và đáp án chính thức.

II. Đề xuất hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2014

1. Nguyên tắc

a) Kiểm tra toàn diện hơn, bước đầu vận dụng cách đánh giá theo năng lực nhằm xác định đúng năng lực viết và năng lực đọc hiểu văn bản của học sinh.

b) Yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức và kĩ năng của nhiều lĩnh vực/ môn học để giải quyết một vấn đề chung, liên quan nhiều đến cuộc sống hàng ngày.

c) Phù hợp với thực tiễn dạy học, không gây sốc cho học sinh và giáo viên

d) Đảm bảo tiệm cận dần đến các yêu cầu khi thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới (sau 2015); tổ chức một kỳ thi quốc gia: làm một bài thi tổng hợp để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh đại học.

2. Yêu cầu (Tổng điểm được tính theo thang 20) gồm:

2.1) Năng lực đọc hiểu (6/20)

a) Kiểm tra kiến thức về tiếng Việt: phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic…. chẳng hạn cho một đoạn văn có nhiều sai sót và yêu cầu HS phát hiện những sai sót trong đoạn văn đó. (2 điểm)

b) Yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn bản cho trước (VB có thể là văn học, sử , địa, khoa học tự nhiên…) (2 điểm)

c) Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một đoạn thơ/ văn cho sẵn (2 điểm)

Về lâu dài có thể tăng số lượng điểm về đọc hiểu và kiểm tra bằng dạng Trắc nghiệm như PISA hoặc Kỳ thi tốt nghiệp THPT bang California ( Hoa Kỳ).

2.2) Năng lực viết (14/20)

a) Viết nghị luận xã hội (7/20 điểm): yêu cầu tích hợp các kiến thức lịch sử, địa lý, đạo đức, văn hóa…) ra theo dạng đề mở và đáp án mở.

b) Viết Nghị luận văn học (7/20 điểm): yêu cầu phân hóa cao hướng tới tuyển sinh đại học. Đề yêu cầu vận dụng sáng tạo những hiểu biết về kiến thức và kĩ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn chưa được học trong SGK hiện hành.

Về lâu dài có thể tích hợp 2 câu này thành một bài viết tổng hợp như bài thi viết của bang California (Hoa Kỳ)

2.3) Đánh giá kết quả:

- Điểm xét tốt nghiệp: những HS đạt từ 10/ 20 điểm trở lên.

- Các trường ĐH, nhất là các trường theo hướng XH-NV căn cứ vào tổng điểm 3 câu và điểm của câu 3 để xét tuyển sinh.

3. Đề tham khảo

Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn (120 phút, không kể thời gian phát đề)

1) Đọc và trả lời các câu hỏi sau (6/20)

a) Đây là một đoạn văn nháp, trong đó còn mắc phải một số lỗi về ngữ pháp, chính tả, dùng từ, logic… Anh, chị hãy chỉ ra những sai sót đó. (2 điểm)

Đoạn văn nháp: “…cái nhìn của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên là một sinh thể có linh hồn với những tính cách đối địch: vừa hung bạo, vừa dữ rằn. Đây là lối nhân cách hóa những đặc điểm vốn có của giòng sông thiên nhiên mà chực quan có thể nhìn thấy.”

b) Đoạn văn sau nói về vấn đề gì? Hãy đặt tên cho đoạn trích (2 điểm)

“Ở người lớn tuổi ít vận động cơ bắp, nếu chế độ ăn giàu chất Colesteron (thịt, trứng, sữa…) sẽ có nhiều nguy cơ bị bệnh xơ vữa động mạch. Ở bệnh này, colesteron ngấm vào thành mạch kèm theo các ion canxi làm cho mạch bị hẹp lại, không còn nhẵn như trước, xơ cứng và vữa ra. 

Động mạch xơ vữa làm cho sự vận chuyển máu trong mạch khó khăn, tiểu cầu dễ bị vỡ và hình thành cục máu đông gây tắc mạch. Động mạch xơ vữa còn dễ bị vỡ gây các tai biến trầm trọng như xuất huyết dạ dày, xuất huyết não, thậm chí gây chết người”.

(Sinh học - lớp 8. NXB Giáo dục 2007)

c) Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của chúng trong đoạn thơ sau (2 điểm):

“ Chúng đem bom ngàn cân

Dội lên trang giấy trắng

Mỏng như một ánh trăng ngần

Hiền như lá mọc mùa xuân ”

(Trang giấy học trò - Chính Hữu)

2. Cho tình huống sau: Giả sử trong những ngày tháng Năm lịch sử, tại mảnh đất Điện Biên hôm nay, anh, chị được gặp một người anh hùng trong chiến dịch Điện Biên năm xưa… Anh, chị và người ấy sẽ nói với nhau chuyện gì ? Đi thăm những nơi nào? Hãy ghi lại điều đó và phát biểu những suy nghĩ, cảm xúc của mình sau cuộc gặp gỡ ấy. (7/20 điểm)

3. Viết về một nhân vật trong tác phẩm văn học đã để lại cho anh, chị nhiều ấn tượng sâu đậm. (7/20 điểm)

Hoặc: Viết một bài văn trả lời câu hỏi: Cuộc sống sẽ như thế nào nếu thiếu thơ ca? (7/20 điểm)

Hoặc: Ngôn ngữ thơ Việt Nam rất giàu nhạc tính. Anh, chị hãy viết bài văn làm sáng tỏ nhận định đó qua một đoạn thơ tự chọn. (7/20 điểm).
giaoducphothong.edu.vn