Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Ôn thi môn Văn không học văn mẫu

04/06/2015 15:12 GMT+7
TTO - Cô Lê Thị Tuyết Anh - giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM - dặn dò như vậy khi học và ôn thi môn văn.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM năm 2014 - Ảnh: Trần Huỳnh
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM năm 2014 - Ảnh: Trần Huỳnh
Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, năm học 2014-2015 này là năm đầu tiên học sinh cuối bậc THPT chỉ thi một kỳ thi quốc gia và dùng kết quả kỳ thi này để xét tuyển sinh ĐH. Cũng theo thông tin của Bộ GD-ĐT, cấu trúc đề thi các môn sẽ giống cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH năm trước. Vì thế đề thi môn văn sẽ có ba phần: đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học
Với yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh, đề thi sẽ theo bốn cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Vì thế các em cần ôn luyện kiến thức theo ba phần sau:
1. Phần đọc hiểu
Ngữ liệu sẽ là văn bản nhật dụng, thơ hoặc văn xuôi trong sách giáo khoa (SGK) hoặc ngoài SGK với nhiều câu hỏi xoay quanh những kiến thức như:
- Xác định nội dung văn bản;
- Chỉ ra các phương thức biểu đạt của văn bản (miêu tả, tự sự, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính - công vụ);
- Nêu phong cách ngôn ngữ (PCNN) được sử dụng trong văn bản và lý giải. Đó là các PCNN sinh hoạt, PCNN nghệ thuật, PCNN khoa học, PCNN hành chính, PCNN báo chí, PCNN chính luận;
- Phân tích các phép liên kết trong văn bản;
- Chỉ ra các biện pháp tu từ (so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, tương phản, các phép điệp…)   và nêu ý nghĩa hoặc hiệu quả biểu đạt của nó;
- Xác định các loại từ như từ láy, từ tượng thanh, từ tượng hình… và nêu ý nghĩa của từ;
- Ý nghĩa biểu cảm của nhịp thơ, giọng thơ;
-  Lý giải về một vấn đề đặt ra trong văn bản….
Ví dụ:     
                        Trời xanh đây là của chúng ta
                        Núi rừng đây là của chúng ta
                        Những cánh đồng thơm mát
                        Những ngả đường bát ngát
                        Những dòng sông đỏ nặng phù sa
                        Nước chúng ta
                        Nước những người chưa bao giờ khuất
                        Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
                        Những buổi ngày xưa vọng nói về
                                             (Đất nước - Nguyễn Đình Thi)
Đọc đoạn thơ trên và thực hiện các yêu cầu sau:
1. Đoạn thơ thể hiện tâm tư, tình cảm gì của tác giả. (0,5 điểm)
2. Nêu ý nghĩa tu từ của từ láy "rì rầm" trong đoạn thơ (0,5 điểm)
3. Xác định các dạng của phép điệp trong đoạn thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật của chúng? (1 điểm) (Trích đề thi tuyển sinh đại học khối D năm 2014)           
* Phương pháp làm bài:
- Nên đọc hệ thống câu hỏi trước để biết đề yêu cầu những gì để các em có định hướng đọc văn bản. Sau đó đọc qua văn bản một lần rồi mới vừa đọc vừa trả lời theo câu hỏi. Cách đọc như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và trả lời đúng trọng tâm.
- Không làm thành bài văn mà bám sát theo câu hỏi, trả lời từng câu, từng phần.
* Những điều cần lưu ý:
- Cần trang bị, ôn luyện và thường xuyên thực hành những kiến thức trên để tránh nhầm lẫn giữa PCNN và phương thức biểu đạt; giữa PCNN này với PCNN khác…
- Trong một văn bản có thể có nhiều phương thức biểu đạt và nhiều PCNN. Vấn đề ở đây là thí sinh cần lý giải cho đúng.
- Để lý giải văn bản ấy thuộc PCNN nào cần phải dựa vào nội dung văn bản và đặc trưng PCNN, còn nguồn dẫn chỉ là  một yếu tố nhỏ để  tham khảo. Nhiều thí sinh chỉ căn cứ vào nguồn dẫn này để lý giải nên câu trả lời thiếu chính xác.
- Để xác định những nội dung trong văn bản, thí sinh cần đọc kỹ và tóm tắt ngắn gọn tất cả những ý chính trong văn bản, nếu chỉ nêu một nội dung sẽ bị mất điểm đấy!
- Để nêu ý nghĩa tác dụng (hoặc hiệu quả biểu đạt) của một biện pháp tu từ nào đó, các em cần nêu ý nghĩa tác dụng về nội dung và cả về nghệ thuật.  
2. Phần nghị luận xã hội:
Những năm gần đây đề thi không tách rời hai kiểu bài nghị luận về một tư tưởng đạo lý và về một hiện tượng đời sống. Đồng thời, đề thi thường yêu cầu thí sinh bàn về hai ý kiến hay hai khía cạnh ngay trong một nhận định.
Ví dụ: Có ý kiến cho rằng: "Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa" là phương châm sống tích cực của con người hiện đại, luôn phù hợp với mọi hoàn cảnh. Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 600 từ) bày tỏ chủ kiến của mình. (Trích đề thi tuyển sinh đại học khối D năm 2014)
* Phương pháp làm bài:
Thí sinh cần làm bài theo trình tự sau:
- Mở bài: dẫn dắt và giới thiệu yêu cầu đề
- Thân bài: Giải thích hai khía cạnh (hoặc hai ý kiến), chỉ ra  mối quan hệ giữa hai khía cạnh (hoặc hai ý kiến); lần lượt bàn luận từng khía cạnh (hoặc từng ý kiến); rút ra bài học nhận thức và hành động từ hai khía cạnh (hoặc hai ý kiến).
- Kết bài: Đánh giá hai khía cạnh (hoặc hai ý kiến), nêu suy nghĩ của bản thân. 
* Những điều cần lưu ý:
- Cần thể hiện rõ chính kiến của bản thân về vấn đề đặt ra trong đề bài.
- Cần kết hợp lý lẽ và dẫn chứng. Nhất là biết cách phân tích dẫn chứng phù hợp với yêu cầu đề ra.
-  Dẫn chứng phải thuyết phục do tính chọn lọc, cụ thể, điển hình, được rút ra từ thực tế cuộc sống. Không lấy dẫn chứng là các nhân vật văn học vì đó là nhân vật hư cấu hay dẫn chứng không rõ ràng như “bạn em”, “hàng xóm nhà em”, ông N. V.X.,  bà T.T.Y. Nếu thiếu phần dẫn chứng hoặc dẫn chứng không rút ra từ thực tế , bài viết chỉ còn nửa số điểm, tối đa là 1,75 điểm/3 mà thôi.
-  Thao tác bài học nhận thức và hành động phải nằm ở cuối đoạn thân bài chiếm 0,5 điểm /3. Vì vậy thí sinh cần viết cụ thể, chi tiết để hưởng trọn số điểm. Tránh nhập chung thao tác này vào phần kết luận, xem như bài làm thiếu một thao tác ở thân bài, thí sinh sẽ mất  0,5 điểm.
3. Phần nghị luận văn học:
Các em cần nắm vững các tác phẩm và kiến thức trọng tâm trong SGK qua hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài, ghi nhớ và luyện tập ở cuối mỗi bài. Đừng quên thuộc lòng các bài thơ, các dẫn chứng văn xuôi…
* Phương pháp làm bài:
- Phải đọc kỹ đề và nắm vững yêu cầu đề.
-  Cần biết cách nhận định đề, phân biệt các kiểu bài để từ đó vận dụng đúng kỹ năng và các thao tác làm bài, xác định luận điểm phù hợp.
+  Phân tích (hoặc cảm nhận) một đoạn thơ, một đoạn văn;
+  Phân tích theo định hướng;
+  So sánh hai đoạn thơ hoặc hai đoạn văn hay hai nhân vật hoặc hai kết thúc truyện;
+  Bình luận hai ý kiến…
- Ở kiểu bài so sánh, thí sinh cần thực hiện theo trình tự:
+ Mở bài: Giới thiệu cả hai hai tác giả và xác định luận đề - điểm chung của hai vấn đề (hai nhân vật hoặc hai đoạn thơ hoặc hai đoạn văn …).
+ Thân bài: Lần lượt giới thiệu từng tác phẩm và phân tích từng vấn đề cả về nội dung và nghệ thuật; Đánh giá điểm giống nhau và khác nhau giữa chúng.
+ Kết luận: đánh giá hai vấn đề, hai tác giả.
- Ở kiểu bài bình luận hai ý kiến
+ Với hai ý kiến có tính chất bổ sung, trước tiên thí sinh giải thích cả hai ý kiến, sau đó tách ra phân tích, bàn luận theo từng ý kiến, cuối cùng tổng hợp lại.
Ví dụ: Về hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, có ý kiến cho rằng người lính ở đây có dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp. Từ cảm nhận của mình về hình tượng này, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên. (Trích đề thi tuyển sinh đại học khối C năm 2013)
+ Với hai ý kiến có tính chất đối lập - tương phản, thí sinh phải sử dụng thao tác bác bỏ, thuyết phục, định hướng người đọc vào ý kiến đúng. Sau đó phân tích, bình luận ý kiến đúng ấy.
Ví dụ: Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ Vội vàngcủa Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: đó là tiếng nói của cái tôi vị kỷ tiêu cực. Lại có ý kiến khẳng định: đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực. Từ cảm nhận của mình về niềm khát khao đó, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên. (Trích đề thi tuyển sinh đại học khối D năm 2013)
* Những điều cần lưu ý:
-  Tất cả các bài làm phải có luận điểm rõ ràng, hợp lý, bám sát với yêu cầu đề ra, nếu không bài viết sẽ sa vào diễn xuôi hoặc kể chuyện.
-  Ở kiểu bài so sánh, tránh làm thành hai bài văn độc lập như hai mở bài, hai thân bài, hai kết luận. Thí sinh sa vào những trường hợp này chỉ đạt điểm tối đa là 2/5.
- Phải dẫn dắt và đưa nội dung đề ra vào trong phần mở bài, nếu không bài làm sẽ mất 0,5 điểm/5 và rất dễ lạc đề.
- Phần kết bài phải khẳng định lại vấn đề theo nội dung đề ra, khái quát giá trị tác phẩm, phong cách tác giả và vị trí của tác giả trong văn học.
Chúc các em ôn luyện kỹ, tự tin và thi đạt kết quả tốt nhất. Với cách ra đề môn văn những năm gần đây, hãy tin rằng đề thi không bao giờ “làm khó”, “đánh đố” thí sinh mà chỉ phân loại, đánh giá rất chính xác năng lực thí sinh.
Những thí sinh nào vững vàng và biết chủ động về kiến thức, nắm vững phương pháp và kỹ năng làm bài, khả năng lập luận chặt chẽ, diễn đạt gãy gọn, súc tích... sẽ “vượt vũ môn” dễ dàng.  Ngược lại, những thí sinh chỉ quen học thuộc lòng văn mẫu sẽ “thua” đấy, các em ạ.
LÊ THỊ TUYẾT ANH
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Tuyển sinh vào lớp 10 - 2015: Đề hay, sự phân hóa cao

Thí sinh trao đổi sau khi làm bài thi môn văn tại Hội đồng thi Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM). Ảnh: D.Bình
Trong hai ngày (11 và 12-6), hơn 77.000 thí sinh (TS) tại TP.HCM đã chính thức bước vào kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2015-2016. Đề thi năm nay có nhiều điểm mới, phát huy tính sáng tạo của học sinh nên khi ra khỏi phòng thi, nhiều TS mang tâm trạng phấn chấn, vui vẻ. Tuy nhiên, cũng không ít TS phân vân vì với dạng đề thi mở như thế này, đáp án sẽ như thế nào?
Môn văn: Hay nhưng không dễ
Hầu hết TS và giáo viên đều cho rằng đề thi môn văn có nhiều điểm mới, góp phần giúp các em có tinh thần thoải mái khi phát huy tối đa cảm xúc, năng lực sáng tạo của mình. Đặc biệt, ở câu hỏi thứ nhất, đề gián tiếp khơi gợi lòng yêu nước của học sinh qua những câu hỏi về việc hát Quốc ca.
TS Nguyễn Thị Bạch Tuyết, thi tại Hội đồng thi (HĐT) THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Nhà Bè phấn khởi nói: “Em rất bất ngờ với câu hỏi đầu tiên khi người ra đề đưa một đoạn trích trên báo và yêu cầu chúng em nói về cảm xúc của tác giả khi hát Quốc ca cũng như nhận xét về thực trạng hát Quốc ca trong trường hiện nay. Dạng đề này rất mới, đã khơi dậy niềm tự hào, tình yêu Tổ quốc cho chúng em…”.
Cùng chung tâm trạng, TS Bùi Thái Kim Hoàn, lớp 9A7, Trường THCS Đức Trí thi tại HĐT THCS Minh Đức, Q.1 chia sẻ: “Tất cả các câu hỏi môn văn đều đòi hỏi tư duy cao nhưng rất hay, phù hợp với khả năng của chúng em. Em đặc biệt thích câu nghị luận xã hội vì bám sát thực tiễn, sở thích của chúng em hiện nay. Với đề này hầu hết các bạn cùng phòng thi với em đều khẳng định làm được trên 60% bài”.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, dự kiến ngày 22-6 sẽ công bố kết quả thi, TS gửi đơn xin phúc khảo từ ngày 22 đến 24-6, hội đồng phúc khảo sẽ làm việc từ 26-6 và dự kiến 29-6 sẽ công bố kết quả phúc khảo. Dự kiến ngày 11-7 công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên, học sinh nộp hồ sơ trúng tuyển vào lớp 10 chuyên từ 23 đến 25-6, sau ngày này nếu học sinh không nộp thì vẫn có tên trong xét tuyển 3 nguyện vọng thường. 
Tại HĐT THCS Bàn Cờ, Q.3, không có TS nào ra khỏi khu vực thi trước khi hết thời gian làm bài. Đánh giá về đề thi, em Vũ Ngọc Phương Thảo, học sinh Trường THCS Bàn Cờ (Q.3) cho biết: Đề rất hay, gần gũi với đời sống thực tế và mang tính định hướng cao. “Đề đòi hỏi TS phải có sự quan sát và suy ngẫm từ cuộc sống trong suốt một thời gian dài. Đối với câu 2, đề tài nói về lối sống vô cảm có thể nhiều bạn đã được làm quen trong các bài làm văn trên lớp nhưng chỉ mới dừng lại ở cái nhìn bên ngoài xã hội chứ chưa đi sâu quan sát đời sống gia đình nên đề tài này có thể nói là vừa lạ, vừa quen đối với nhiều TS. Theo em, đề thi rất hay nhưng không dễ làm, nếu không suy nghĩ và lập dàn ý cẩn thận, nhiều bạn sẽ vẫn làm hết bài thi nhưng không đủ ý kiến thu hút và thuyết phục”. Nhiều học sinh Trường THCS Colette (Q.3) khi thảo luận cũng cho rằng: Đề thi mang tính thực tiễn, giúp TS thoải mái trình bày quan điểm cá nhân của mình, nhưng để đạt điểm cao ở đề thi môn văn là điều không hề dễ.
Đánh giá về đề thi, cô Lê Thị Phương Trinh, giáo viên môn văn, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, chia sẻ: “Đề thi có nhiều điểm mới, buộc các em phải hiểu đề và biết vận dụng kiến thức lý thuyết với thực tiễn mới làm được. Đặc biệt câu hỏi thứ hai trong phần nghị luận văn học rất mới, yêu cầu các em liên hệ với bài thơ khác nên phải nắm chắc kiến thức mới làm được. Đề không chỉ yêu cầu các em nắm chắc kiến thức trong nhà trường mà còn phải có kiến thức xã hội”.
Ngoại ngữ: “Dễ thở”
Đề thi môn tiếng Anh gồm 36 câu, nhiều TS cho rằng đề ra vừa sức, không quá khó. Mai Kiều Khanh, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) cho biết: “Em làm hết bài thi khi mới hết 2/3 thời gian. Đề không khó, hầu hết các câu đều nằm trong nội dung chương trình học lớp 9. Em chắc chắn làm được 85% câu hỏi”.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM dặn dò thí sinh trước giờ thi tại HĐT THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM). Ảnh: D.Bình
TS Nguyễn Vũ Phương Thùy, lớp 9A10, Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1 khá vui vẻ khi vừa hoàn thành xong bài thi. “Em chắc chắn làm đúng 30/36 câu, 6 câu còn lại hơi khó, em buộc phải đoán nhưng nhìn chung vẫn có cơ sở. Phần dễ nhất trong đề thi này chính là viết lại câu”, Phương Thùy cho hay. Trong khi đó, một nhóm học sinh Trường THCS Bàn Cờ lại nhận định: Phần chia động từ, một số câu trắc nghiệm hỏi về nhóm từ, phân loại từ tương đối khó; phần chuyển đổi câu có một số câu rất khó, nhiều em chỉ làm được 50% số câu hỏi.
TS vắng thi giảm hơn năm trước
Đáp án không quá chi ly
“Đề thi môn văn trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM những năm gần đây có độ mở ngày càng cao. Do đó, đáp án chấm thi không quá chi ly như môn toán, giáo viên không còn đọc ý để cho điểm mà là gợi ý những điểm chính, căn cứ vào đó giáo viên sẽ hình thành năng lực nhận định nhưng vẫn đảm bảo khung chung”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.
Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT TP.HCM chiều 11-6, có 77.167 TS chính thức dự thi, trong đó ở HĐT thi thường có 70.471 TS đăng ký dự thi, môn văn có 69.951 TS chính thức dự thi (tỷ lệ 99,26%), vắng 520 TS không có lý do, môn ngoại ngữ có 69.940 TS dự thi (tỷ lệ 99,26%), vắng thêm 11 TS. Ở HĐT chuyên có 7.266 TS đăng ký dự thi, môn văn có 7.216 TS chính thức dự thi (tỷ lệ 99,31%) vắng 50 TS, môn ngoại ngữ có 7.213 TS dự thi (tỷ lệ 99,27%), vắng thêm 3 TS.
Giải thích vì lý do vắng thi, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM phân tích: TP.HCM cho phép học sinh các trường tư thục thi vào lớp 10 nhưng trường tư thục thường có bán trú, trong khi THPT công lập rất ít có bán trú. Hơn nữa, nhiều em học xong lớp 9 có ý định du học. Vì vậy, sau khi suy nghĩ kỹ, các em đã không dự thi. Còn những lý do khác như đi trễ, gặp tai nạn… thì rất hiếm xảy ra. Dù vậy, lượng TS vắng thi năm nay giảm nhiều hơn kỳ tuyển sinh trước”.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, kỳ tuyển sinh này số lượng TS tăng hơn 10.000 em, có thể nói là tăng khá đột biến. Còn về nội dung đề thi, “Đề thi bám sát kiến thức ở chương trình THCS, đặc biệt là lớp 9 và có sự phân hóa cao. Với nội dung phân hóa, đề sẽ giúp khoảng 80% TS đạt được nguyện vọng vào lớp 10 công lập, số còn lại sẽ vào TCCN, trường nghề, TT GDTX,  trường ngoài công lập”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP nhận định.
Hôm nay (ngày 12-6) TS tiếp tục thi môn toán với thời gian làm bài 120 phút, buổi chiều TS thi chuyên sẽ dự thi thêm các môn chuyên. Các TS có thể xem đáp án chính thức trên Giáo dục TP.HCM online tại địa chỉ:giaoduc.edu.vn.
Nhóm PV
Đề văn: Hay, gợi nhiều cảm xúc, điểm sẽ cao
Mỗi câu hỏi trong đề thi văn năm nay rất hay, khơi gợi cảm xúc, phát huy khả năng sáng tạo, lập luận vấn đề của các em.
Ở câu 1, khác với mọi năm là đề có phần dài hơn, chia nhỏ mỗi câu nhỏ 0,5 điểm thay vì 3 câu hỏi nhỏ mỗi câu 1 điểm như những đề thi tuyển sinh lớp 10 những năm học trước. Tuy đề dài nhưng không khó, không đánh đố các em, ngược lại chỉ cần gạch dưới từng yêu cầu của câu hỏi thì học sinh trung bình cũng có thể làm được ngay. Câu hỏi này không chỉ yêu cầu học sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học để tìm ra một phép liên kết trong đoạn văn mà còn khẳng định thêm lần nữa câu nói của một nhà văn nổi tiếng “Văn học là nhân học”. Hỏi về cảm xúc của tác giả khi hát Quốc ca Việt Nam, đề thi đã gián tiếp giáo dục các em tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào trước truyền thống đấu tranh bất khuất của ông cha ta để bảo vệ đất nước. Đồng thời với những học sinh còn lơ là khi hát Quốc ca, khi đọc qua đoạn văn và nhìn được điểm thiếu sót của mình khi thực hiện điều này sẽ cảm thấy có lỗi và có những thay đổi khi học lên các bậc cao hơn.
Câu thứ 2 là đề văn nghị luận xã hội đòi hỏi các em phải có vốn sống, biết cách lập luận, liên kết chặt chẽ. Điểm hay ở câu hỏi này là để học sinh tự sáng tạo, tự nhận biết yêu cầu, suy nghĩ độc lập chứ không phải là theo lối mòn là đưa ra tình huống rồi từ đó học sinh mới làm. Đề cũng đưa ngay hình ảnh minh họa sinh động vào, một bên là người cha vẫn đang mải miết sửa xe đạp còn một bên là người con vẫn mải mê ngắm nhìn thần tượng của mình mà không thấy được những người thân trong gia đình vì họ mà vất vả, lo toan để từ đó giúp các em có cơ sở rõ ràng hơn khi lập luận sự vô cảm là như thế nào.
Câu thứ 3 vừa có điểm mới, vừa có điểm cũ. Điểm cũ là đề yêu cầu học sinh cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong hai khổ thơ trong bài thơSang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh, điểm mới là yêu cầu các em phải suy nghĩ thêm, tăng cường tính sáng tạo thêm khi liên hệ với một đoạn thơ hay khổ thơ khác về đề tài. Với yêu cầu này, học sinh giỏi sẽ nhận ra ngay nhưng học sinh khá, trung bình chắc chắn phải suy nghĩ khá nhiều mới tìm ra được. Đây cũng là dạng câu hỏi có sự phân hóa cao, đặc biệt không chỉ liên hệ với một khổ thơ hay đoạn thơ khác mà các em còn phải hiểu được điểm gặp gỡ của tác giả khi viết đề tài này là cái gì.
Đề thi phát huy tính sáng tạo, giúp các em bộc lộ cảm xúc chứ không theo bất cứ khuôn mẫu nào. Tuy nhiên, dạng đề thi này các em không thể tự “chém gió” mà phải có kỹ năng xử lý đề mới làm được. Nhìn chung, so với năm ngoái, đề thi năm nay dài hơn, bắt buộc các em phải có lập luận, suy nghĩ, vốn sống thực tế nhưng theo dự đoán sẽ có nhiều điểm cao bởi đề rất hay, những em có kỹ năng viết tốt sẽ khơi gợi nhiều cảm xúc để hoàn thiện bài làm.
Cao Thị Nhỏ (GV văn, Trường THCS Chu Văn An, Q.1)
Hà Nội: Căng thẳng hơn thi ĐH
Ngày 11-6, gần 80.000 học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên và không chuyên năm học 2015-2016. Trong số này chỉ có 70% được vào học tại các trường THPT công lập.
Cổng trường THPT Việt Đức và Trần Phú (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) sáng 11-6 đông nghẹt phụ huynh đứng đợi con em mình tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Đây là hai trong số những trường tốp đầu của Hà Nội. Chính vì vậy, TS đăng ký vào đây 100% là học sinh khá, giỏi.  Sự chạy đua của các “ngôi sao” nên khiến các bậc phụ huynh cũng thấp thỏm, lo lắng không yên. Chị Nguyễn Minh Tâm, phụ huynh có con thi vào THPT Việt Đức năm nay chia sẻ cả đêm trước kỳ thi chị mất ngủ, không chợp mắt được vì lo lắng cho con.
Đề ngữ văn năm nay của Hà Nội gồm hai phần. Phần 1 gồm 4 câu hỏi nhỏ liên quan đến tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận. Phần 2 gồm 3 câu hỏi nhỏ liên quan đến tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. Tuy nhiên, câu 3 nhỏ của phần 2 trong đề thi là câu hỏi mở và chính là câu nâng cao tạo nên sự khác biệt của mỗi TS. Câu này yêu cầu TS “Từ đoạn trích trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi và những hiểu biết xã hội, hãy viết một đoạn văn (khoảng nửa trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về thái độ của mỗi người trong mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể”. Với đề văn này, các TS đều thấy phấn khởi và vừa sức của mình. TS Vũ Minh Hiếu tại điểm thi Trường THPT Việt Đức cho biết với đề thi này, em chắc chắn được 8 điểm. Đề thi năm nay không khó, không có câu nào gài bẫy TS. TS Nguyễn Viết Tùng cũng thi tại điểm thi THPT Việt Đức cho hay điểm mạnh của em là môn toán nhưng với đề văn này, em đã “giải quyết ngon” và khẳng định sẽ được 8-9 điểm. Tuy nhiên, có một số TS ra cảm thấy tiếc vì hai tác phẩm trong đề ra đã không được ôn tập kỹ. Thậm chí có TS ra khỏi phòng thi gặp người nhà đã thẳng thắn yêu cầu đừng hỏi gì và lẳng lặng lên xe về nhà.
Đánh giá về đề thi văn năm nay, ThS. Lương Hằng Nga (giáo viên môn ngữ văn Trường Phổ thông quốc tế Wellspring) cho rằng đề thi vừa sức, có khả năng khơi gợi hứng thú và tư duy sáng tạo cho học sinh thông qua việc tăng cường các câu hỏi mở. Cấu trúc đề thi đánh giá được 3 mức độ trong phần đọc hiểu: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Cấu trúc này gần giống với đề thi minh họa THPT quốc gia 2014-2015. Với câu hỏi mở. ThS. Lương Hằng Nga cho rằng tuy không mới lạ nhưng vẫn có tính thời sự nhất là trong thời đại hiện nay, một bộ phận không nhỏ giới trẻ sống ích kỷ, thực dụng, bàng quan với cộng đồng, xã hội.
Còn theo cô Nguyễn Thị Kim Thanh (nguyên giáo viên dạy văn Trường THCS Hoàn Kiếm), câu hỏi mở trong đề ngữ văn của Hà Nội năm nay rất hay. Đó là quan hệ giữa cá nhân và tập thể. Quan hệ này đang bị lỏng lẻo. Trước đây người ta nói một người vì mọi người. Bây giờ, dường như vấn đề cá nhân được đẩy lên quá cao.  Đây là một sự đánh động cho thế hệ hiện nay. Không chỉ riêng đề văn này, đối với những đề mở, học sinh phải sống thực, có thái độ tích cực đối với cuộc sống thì sẽ làm được tốt.
Theo ghi nhận của PV Giáo dục TP.HCM, tại các điểm thi, bên cạnh người nhà TS đứng đợi còn có một đội ngũ đông đảo, hùng hậu những người phát tờ rơi. Không chỉ phát cho phụ huynh trong lúc đứng đợi mà khi thấy TS vừa rời khỏi phòng thi họ ào đến, nhét lấy nhét để vào tay TS những tờ thông tin của mình. Đa số những thông tin này liên quan đến các trung tâm gia sư, trung tâm luyện thi, trung tâm ngoại ngữ. Không muốn xả rác tại cổng trường, nhiều TS và phụ huynh đã phải ôm một mớ “rác” về nhà.
Nghiêm Huê