Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Lớp 9: Đề KT 45 phút



I) Đọc bài thơ sau và trả lời câu hỏi
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!

1) Khổ thơ trên trích từ bài thơ nào? Của tác giả nào?
-Khổ thơ trên trích từ bài Viếng lăng Bác của tác giả Viễn Phương

2) Hoàn cảnh sáng tác bài thơ có gì đặc biệt
- Bài thơ được sáng tác trong một lần Viễn Phương ra Hà Nội thăm lăng của Bác. Từ trên đường từ Nam ra Bắc, ông đã rất ấn tượng với cảnh vật xung quanh. Khi vào trong lăng, cảm xác đó lại càng nhiều hơn. Và tác giả đã sáng tác bài “ Viếng lăng Bác” trong lúc đó

3) Tìm một hình ảnh thơ mang ý ẩn dụ trong đoạn thơ trên. Cho biết ý nghĩa của hình ảnh ẩn dụ đó. Chỉ thêm 2 hình ảnh mang ý ẩn dụ khác trong bài
- Hình ảnh ẩn dụ trong đoạn trên là: “vầng trăng”. Đó là hình ảnh ẩn dụ cho những năm tháng làm việc của Bác, lúc nào cũng có vầng trăng bên cạnh bầu bạn. Còn bây giờ, trong giấc ngủ yên, vầng trăng ấy mới thật sự là vầng trăng yên bình, để Bác nghỉ ngơi và ngắm. Trăng dịu hiền, soi sáng hình ảnh Bác

- Hai hình ảnh ẩn dụ khác trong bài là:
+ Hình ảnh hàng tre trong đoạn
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”

+ Hình ảnh mặt trời trong đoạn
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

4) Cho biết nội dung chính của đoạn thơ trên.
 - Nội dung chính : đoạn thơ bày tỏ niềm kính trọng, biết ơn cũng như nỗi niềm thương mến của tác giả khi nhìn thấy Bác – vị anh hùng kính yêu của dâng tộc đang nằm trong giấc ngủ. Một giấc ngủ ngàn thu mà Bác sẽ không bao giờ tỉnh dậy




II) Các bài thơ hiện đại trong chương trình lớp 9 HK2 đã thể hiện nhưng lẽ sống cao đẹp. Chọn và trình bày cảm nhận của mình về những lẽ sống cao đẹp ấy qua một khổ thơ hoặc đoạn thơ bằng một văn bản 25-30 dòng

Bài làm
       Tố Hữu – nhà thơ cùng quê hương xứ Huế với Thanh Hải – đã viết trong bài “Một khúc ca xuân” những lời tâm niệm thật chân thành, giản dị và tha thiết. Đó là “lặng lẽ dâng cho đời”. Còn Thanh Hải khi viết bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” trước lúc ra đi, không những đã giải bày những suy ngẫm mà còn mong ước được dâng hiến một mùa xuân nho nhỏ của mình cho mùa xuân vĩ đại của đất nước Việt Nam. Trong đó, hai đoạn dưới dây thể hiện rõ nhất điều đó
“Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.

       Lời thơ như ngân lên thành lời ca. Nếu như đoạn đầu Thanh Hải xưng tôi kín đáo và lặng lẽ thì đến đoạn này ông chuyển giọng xưng ta. Vì sao có sự thay đổi như vậy? Ta ở đây là nhà thơ và cũng chính là tất cả mọi người. Khát vọng của ông là được làm con chim hót, một cành hoa để hoà nhập vào “mùa xuân lớn” của đất nước, góp một nốt trầm vào bản hoà ca bất tận của cuộc đời. Hiến dâng “mùa xuân nho nhỏ” nghĩa là tất cả những gì tốt đẹp nhất, dù nhỏ bé của mỗi người cho cuộc đời chung cho đất nước. Điều tâm niệm đó thật chân thành, giản dị và tha thiết – xin được làm một nốt trầm trong bản hoà ca của cuộc đời nhưng là “một nốt trầm xao xuyến”. Điều tâm niệm của tác giả: “lặng lẽ dâng cho đời” chính là khát vọng chung của mọi người, ở mọi lứa tuổi, chứ đâu phải của riêng ai. Thanh Hải đã thể hiện hết mình vì lòng tin yêu cuộc sống và khiêm tốn hiến dâng cho đất nước, cho cuộc đời, bởi vậy, xuất phát từ tiếng lòng thiết tha, nhỏ nhẹ, chân thành của tác giả nên lời thơ dễ dàng được mọi người tiếp nhận và chia sẻ cho nhau. Quan niệm sống ấy của Thanh Hải thật giống với quan niệm sống của Tố Hữu:

                                                “Nếu là con chim, chiếc lá,
                                        Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
                                                 Lẽ nào vay mà không trả,
                                        Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.”

       Đến khổ thơ tiếp theo, tác giả đã giúp ta hiểu rõ hơn nhan đề của bài thơ – Mùa xuân nho nhỏ:
                                                  “Một mùa xuân nho nhỏ
                                                    Lặng lẽ dâng cho đời
                                                    Dù là tuổi hai mươi
                                                    Dù là khi tóc bạc”.

       “Mùa xuân” là ý niệm chỉ thời gian nhưng “mùa xuân nho nhỏ ở đây của tác giả đã trở thành lẽ sống đẹp, lý tưởng. “Lặng lẽ dâng” ước vông tha thiết khiêm tốn cả cuộ đời cho đi mà không hề đòi hỏi. “Lặng lẽ” một hành động âm thần, tự nguyện không ồn ào, khồng cần mọi người biết đến. Đã gọi là cống hiến cho đời thì dù ở tuổi nào đi chăng nữa cũng phải luôn biết cố gắng hết tâm trí để phục vụ và hiến dâng cho quê hương, đất nước mến yêu của chính mình. Già - cống hiến tuổi già, trẻ - cống hiến sức trẻ để không bao giờ thất vọng trước chính bản thân mình. Thật cảm động và kính phục biết bao khi đọc những vần thơ như lời tổng kết của cuộc đời. “Dù là tuổi hai mươi” khi mới tham gia kháng chiến cho đến khi tóc bạc là thời điểm hiện thời vẫn lặng lẽ dâng hiến cho đời và bài thơ này là một trong những bài thơ cuối cùng. “Một mùa xuân nho nhỏ” cuối cùng của Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc ông bước vào thế giới cực lạc, chuẩn bị ra đi mãi mãi.
      
          Tóm lại bài thơ đã sử dụng thể thơ năm chữ, mang âm hưởng dân ca nhẹ nhàng tha thiết, giàu hình ảnh, nhạc điệu, cất trúc thơ chặt chẽ, giọng điệu đã thể hiện đúng tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Nét đặc sắc của bài thơ là ở chỗ nó đề cập đến một vấn đề lớn và quan trọng “nhân sinh”, vấn đề ý nghĩa cuộc sống của mỗi cá nhân được Thanh Hải thể hiện một cách chân thành, thiết tha, bằng giọng văn nhỏ nhẹ như một lời tâm sự, gửi gắm của mình với cuộc đời. Nhà thơ ước nguyện làm một “mùa xuân” nghĩa là sống đẹp, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình nhưng rất khiêm nhường; là “một mùa xuân nho nhỏ” góp vào “mùa xuân lớn” của đất nước của cuộc đời chung và bài thơ cũng có ý nghĩa hơn khi Thanh Hải nói về “mùa xuân nho nhỏ” nhưng nói được tình cảm lớn, những xúc động của chính tác giả và của cả chúng ta.